(GLO)- Bao năm qua, các làng thuộc xã Ia Pếch (huyện Ia Grai) và xã Kon Gang (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đưa công tác bảo vệ rừng vào hương ước. Đây là 2 địa phương điển hình trong thực hiện nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ “lá phổi xanh”.
Mới đây, tôi có dịp theo chân tổ công tác của xã Ia Pếch tiến hành tuần tra bảo vệ rừng. Ông Rơ Mah Huoh (làng De Chí) vừa đi vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện ý nghĩa về mối quan hệ giữa con người với rừng. Theo ông Huoh, người Jrai sống gắn bó với rừng nên bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả cộng đồng. Để mọi người chung tay bảo vệ rừng, làng đã đưa các quy định giữ rừng vào hương ước làm cơ sở thực hiện chung. Hương ước giữ rừng có những quy định cụ thể như: không được mang lửa vào rừng; không được chặt phá cây rừng, săn bắn thú rừng; không đóng đinh, đóng cọc vào cây… Hương ước cũng nêu rõ: Ai cần gỗ làm nhà thì phải viết đơn. Nếu xét thấy nhu cầu chính đáng, làng sẽ trình đơn này lên UBND xã và Hạt Kiểm lâm huyện. Sau khi được cấp thẩm quyền cho phép thì người dân mới vào rừng chặt cây về dựng nhà.
“Hương ước được xây dựng trên cơ sở thực tiễn cuộc sống nên có tác động tích cực đến ý thức, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Dân làng coi hương ước là chuẩn mực, ai cũng phải làm theo”-ông Huoh nhấn mạnh.
Cũng như nhiều người dân trong làng Ograng (xã Ia Pếch), từ bé, anh Rơ Mah Chôih đã gắn bó với rừng. Anh chia sẻ: “Rừng luôn che chở, bảo vệ người dân. Vì thế, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ để những cánh rừng xanh tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi người. Từ khi thực hiện hương ước giữ rừng, người dân không phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép, săn bắn thú rừng nữa”.
Lễ cúng thần rừng của người dân xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Trong khi đó, hương ước giữ rừng của làng Krăi (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) được kết hợp giữa luật tục với những quy định của Luật Lâm nghiệp. Ông Ship-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Krăi-cho biết: Từ năm 2010, làng Krăi đã xây dựng hương ước bảo vệ rừng. Hương ước quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi thành viên; trách nhiệm tham gia tuần tra, bảo vệ, chữa cháy rừng… Nếu gia đình có người vi phạm phải kiểm điểm trước cộng đồng, không được xét ưu tiên khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì báo lên xã và kiểm lâm địa bàn để xử lý.
Hơn 10 năm qua, anh HYơm luôn gắn bó với công việc giữ rừng. Anh chia sẻ: “Chúng tôi vừa tuần tra, vừa tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, cảnh giác với hành vi vi phạm của lâm tặc. Mọi người đều nghiêm túc thực hiện hương ước giữ rừng. Nhiều năm qua, làng Krăi chưa để xảy ra vụ cháy rừng hay phá rừng nghiêm trọng nào”.
Ông Đặng Hùng-cán bộ Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Ia Pếch-cho hay: “Hàng năm, chúng tôi hỗ trợ các làng tổ chức lễ cúng rừng đầu năm. Đây là phong tục truyền thống của người Jrai. Xã thành lập 2 tổ bảo vệ rừng ở làng Ograng và De Chí. Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng. Dần dần ý thức của người dân được nâng lên”.
Còn ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang thì cho hay: “Nhiều năm nay, hơn 427 ha rừng của xã luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy rừng hay bị chặt phá. Người dân bảo vệ rừng tốt nên được hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng, cuộc sống ngày càng khấm khá, ý thức bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Huân-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh-nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao ý thức bảo vệ rừng của người dân 2 xã Ia Pếch và Kon Gang. Thực tế cho thấy, hương ước giữ rừng đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình này”.
HÀ TÂY