Thời sự - Sự kiện

Huy động các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tại buổi làm việc với Chi ủy Chi bộ buôn Ji và Ban Thường vụ Đảng ủy xã Krông Năng (huyện Krông Pa) vào chiều 20-7, về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 cùng một số vấn đề liên quan.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Chi ủy Chi bộ buôn Ji và Ban Thường vụ Đảng ủy xã Krông Năng, huyện Krông Pa. Ảnh: Ngọc Sang
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Chi ủy Chi bộ buôn Ji và Ban Thường vụ Đảng ủy xã Krông Năng, huyện Krông Pa. Ảnh: Ngọc Sang

Tham gia đoàn công tác có đồng chí Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Thường trực Huyện ủy Krông Pa.

Những kết quả tích cực

Tại buổi làm việc, ông Ksor Wik-Bí thư chi bộ buôn Ji-thông tin: Buôn có 169 hộ với 813 khẩu, hầu hết là người dân tộc Jrai. Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bộ mặt của buôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, buôn đối mặt với những khó khăn, thách thức như: dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá các mặt hàng phân bón, xăng dầu tăng cao... Song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền xã cùng sự nỗ lực của chi bộ, cán bộ, đảng viên và người dân trong buôn đã kịp thời khắc phục những khó khăn, đưa đời sống bà con từng bước ổn định; hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn và hoạt động hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng Nay Yút phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang

Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng Nay Yút phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang

Báo cáo với Phó Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác, Bí thư Đảng ủy xã Nay Yút cho biết: Krông Năng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 98%, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế.

Từ đầu năm đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền và tinh thần đoàn kết của Nhân dân, kinh tế-xã hội của xã đạt những kết quả khả quan, quốc phòng-an ninh được giữ vững. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm 2022-2023 hơn 772 ha, đạt 183,88% kế hoạch. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, công tác phòng-chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện. Xã đã tổ chức cấp phát hỗ trợ 3.010 kg giống lúa BĐR57 cho 76 hộ dân trồng lúa nước; cấp phát giống mỳ HN5 cho 5 hộ dân theo chương trình phân bổ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiện xã đã hoàn thiện thủ tục giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ dân.

Về xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện những phần việc không cần sự đầu tư của Nhà nước. Đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt gồm: thủy lợi và phòng-chống thiên tai, thu nhập, nghèo đa chiều, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng hệ thống chính trị của xã cũng đạt được những kết quả tích cực. Đảng bộ xã hiện có 8 chi bộ trực gồm: 4 chi bộ buôn; 1 chi bộ Giáo dục; 1 chi bộ Y tế; 1 chi bộ Quân sự, 1 chi bộ Công an, với tổng số 150 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số là 133 đồng chí. Trong 6 tháng đầu năm đã phát triển được 4 đảng viên mới, đạt 50% nghị quyết.

Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Đối với chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dan tộc thiểu số và miền núi được quan tâm đầu tư. Trong đó, tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng để làm đường giao thông, hỗ trợ làm nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất. Tổng vốn sự nghiệp hơn 4,3 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo sinh kế bền vững. Về chương trình giảm nghèo bền vững đang triển khai thực hiện đúng tiến độ. Tổng vốn năm 2023 là 495 triệu đồng; vốn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng 151 triệu đồng. Phấn đấu đến cuối năm 2023, xã hoàn thành thêm tiêu chí NTM”.

Gỡ khó để phát triển

Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy xã Krông Năng nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của buôn Ji. Theo đó, khó khăn hiện nay là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của buôn còn cao (25 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo). Hiện trên địa bàn buôn có 120 ha có thể sản xuất lúa nước 2 vụ. Tuy nhiên, nguồn nước không đảm bảo cho việc sản xuất. Đề nghị cấp trên quan tâm đầu tư trạm bơm, hệ thống thủy lợi để thuận lợi cho việc sản xuất lúa nước 2 vụ và tưới các loại cây trồng khác của người dân. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã không có hệ thống cung cấp nước sạch cho người sử dụng. Trong quy hoạch NTM, do kinh phí của xã hạn hẹp để bố trí khu giãn dân. Đề nghị tỉnh xem xét, bố trí kinh phí nói trên.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Ngọc Sang

Liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của xã Kông Năng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa Hồ Văn Thảo cho rằng: Thời gian tới, UBND huyện và xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM, để người dân thực sự là chủ thể trong triển khai thực hiện chương trình này. Đồng thời, huyện và xã chú trọng thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh và Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23-5-2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Cùng với đó, thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Quan trọng hơn, huyện và xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM, để người dân thực sự là chủ thể trong triển khai thực hiện chương trình này. Đồng thời, huyện và xã chú trọng thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp giúp huyện “gỡ khó” để triển khai mô hình điểm về thực hiện Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan cho biết: Việc tập trung đầu tư xây dựng xã Kông Năng đạt chuẩn NTM là hết sức cần thiết. Vì vậy, Sở sẵn sàng phối hợp với huyện để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan thuộc thẩm quyền quản lý. Trước mắt, Sở sẽ phối hợp tham mưu hỗ trợ giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, bảo vệ và sản xuất nông-lâm kết hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất. Cùng với đó, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để huyện nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) tặng quà cho Đảng bộ xã Krông Năng. Ảnh: Ngọc Sang

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) tặng quà cho Đảng bộ xã Krông Năng. Ảnh: Ngọc Sang

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đánh giá cao những kết quả nổi bật mà xã Krông Năng và buôn Ji đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, triển khai khá hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhiều hộ dân đã hợp tác với nhau để sản xuất cũng như biết buôn bán, trao đổi hàng hóa nhằm tăng thu nhập. Tuy nhiên, huyện, xã và hệ thống chính trị buôn cũng phải không ngừng củng cố, duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM trong thời gian tới. Cùng với đó, chú trọng công tác quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng kế hoạch sử dụng các nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

“Thời gian tới, huyện, xã cũng cần có kế hoạch chi tiết để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng NTM, nhất là việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất trong vùng đồng bào DTTS; triển khai có hiệu quả việc kết nghĩa giữa chi bộ các buôn để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và phối hợp với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn trong đào tạo lao động, giải quyết việc làm, nhất là cho đồng bào DTTS nhằm từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đặc biệt, chú trọng xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của người dân trong công tác thông tin, tố giác tội phạm, để mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên là một kênh thông tin và mỗi buôn, xã là một “pháo đài” vững chắc trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”-Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm