Kinh tế

Nông nghiệp

Huyện Chư Pưh: Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và các nguồn vốn khác, hàng năm huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm giúp người dân chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng trước tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều giống cây trồng năng suất cao bước đầu đã được đưa vào trồng đại trà, giúp người dân nâng cao đời sống.

Người dân xã Ia Hrú thu hoạch lúa vụ mùa 2016. Ảnh: L.N

Nhằm nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tiết kiệm chi phí đầu tư về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đảm bảo được năng suất lúa, vụ mùa năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh đã triển khai mô hình cánh đồng lúa lớn với diện tích 150 ha tại 3 xã Ia Rong, Ia Dreng, Chư Don cho 289 hộ tham gia. Tham gia mô hình này, người dân được hỗ trợ 70% giống lúa ML48 và hướng dẫn kỹ thuật từ làm đất đến gieo sạ, chăm sóc… Kết quả, năng suất bình quân đạt khoảng 6,5 tấn/ha, cao hơn trước đây 0,8-1,3 tấn/ha.

Thấy hiệu quả, vụ mùa năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại cánh đồng Ia Yôr và cánh đồng Ia Ke I (xã Ia Phang) với diện tích 80 ha cho 120 hộ dân Plei Tao và thôn Chư Pố 2 tham gia. Ông Siu A Mun (Plei Tao, một trong những hộ tham gia mô hình) cho biết: Gia đình tôi có khoảng 1 ha ruộng lúa nhưng trước đây hay sạ dày bằng giống để lại từ vụ trước nên hiệu quả không cao, mỗi năm chỉ thu được khoảng 70 bao/ha (mỗi bao 75-80 kg). Khi được nhà nước hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, tôi thấy sản xuất hiệu quả hơn nhiều. Năm nay gia đình thu hoạch được gần 100 bao lúa.

Ông Rơ Mah Chốch-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chư Pưh cho biết: Lâu nay, người dân vẫn tự để giống lại phục vụ cho vụ sau, gieo sạ dày nên hiệu quả sản xuất lúa không cao. Trước thực tế đó, chúng tôi mạnh dạn thực hiện mô hình cánh đồng lúa lớn một giống, bước đầu phát huy được hiệu quả. Mô hình này giúp người dân tiếp cận được với khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán canh tác, tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh hại… nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn 6-7 triệu đồng/ha. Trong những vụ tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất với huyện cho triển khai tiếp tại một số vùng để tất cả các địa phương đều tiếp cận được mô hình hiệu quả này.

Bên cạnh đó, để giúp người dân chuyển đổi cây trồng, thời gian qua, cơ quan chuyên môn huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như mô hình trồng bắp lấy thân, tái canh cà phê, phát triển hồ tiêu bền vững bằng chế phẩm sinh học… Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn là rất cần thiết, góp phần giúp người dân sản xuất ổn định, tránh thời tiết cực đoan, mang lại hiệu quả cao trên cùng một diện tích. Với mô hình trồng bắp lấy thân, đây là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn nên tránh được hạn hán vào cuối vụ nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không thua kém gì so với trồng lúa. Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên nhiều hộ dân chưa mạnh dạn tham gia, chưa hiểu nhiều về cách thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hình thức ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục làm việc với công ty để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân đảm bảo. Còn các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao năng suất, hạn chế sâu bệnh giúp người dân sản xuất ổn định.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm