TN - Đất & Người

Huyện miền núi xa xôi nhất tỉnh Kon Tum thiếu giáo viên đứng lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Huyện miền núi Tu Mơ Rông - "thủ phủ” sâm Ngọc Linh là huyện xa xôi nhất của tỉnh Kon Tum . Hiện nhiều điểm trường ở huyện này đang thiếu giáo viên đứng lớp, đời sống giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do đường sá cách trở.
Kon Tum xin cơ chế đặc thù đối với giáo viên miền núi, vùng khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Thanh Tuấn

Kon Tum xin cơ chế đặc thù đối với giáo viên miền núi, vùng khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Thanh Tuấn

Ngày 26.8, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh Kon Tum, Sở Nội vụ phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng 128 biên chế, trong đó có 123 chỉ tiêu biên chế giáo dục.

Huyện mong muốn UBND tỉnh sớm cho chủ trương để cơ quan chức năng huyện thực hiện công tác tuyển dụng nhằm đảm bảo đủ giáo viên trong công tác giảng dạy năm học mới 2023-2024.

Năm học trước đó (2022-2023), huyện Tu Mơ Rông thiếu 72 giáo viên, đã tổ chức thi tuyển dụng biên chế và có 55 giáo viên trúng tuyển, 17 chỉ tiêu còn lại không trúng tuyển hoặc không có hồ sơ đăng ký.

Sau đó có 60 trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác đi nơi khác. Bước vào năm học 2023 – 2024, toàn huyện lại có thêm 48 giáo viên chuyển công tác, nghỉ hưu dẫn đến thiếu giáo viên.

Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Nhà trường hiện đang lên phương án học trực tuyến, sẽ kết nối với tất cả các lớp, chỉ cần một lớp có giáo viên đủ trình độ giảng dạy sẽ truyền tải đến các lớp khác. Tuy nhiên, phương án này đòi hỏi phải đầu tư thiết bị dạy học trực tuyến, nếu thực hiện được sẽ là phương án hiệu quả để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên”.

Năm học mới 2023-2024, chính quyền tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành Trung ương rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn.

Duy trì các chính sách an sinh trên lĩnh vực giáo dục, y tế từ 2-3 năm sau khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới như: miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí học tập…

Trong chuyến thăm huyện Tu Mơ Rông mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu việc cần nghiên cứu, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên và sắp xếp lại các điểm trường, lớp học cho phù hợp tình hình thực tiễn, hiệu quả hơn theo hướng giảm điểm trường lẻ, tăng trường nội trú, điểm trường chính...

Có thể bạn quan tâm