Điểm đến Gia Lai

Huyền sử Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhìn trên bản đồ, sông Sê San có hình dạng tựa một con rết cắn miệng vào rặng Trường Sơn trùng điệp, lượn mình qua những dãy núi đá hẹp, dốc đứng, hợp lưu với các sông Sêrêpok, Krông Ana rồi đổ nước vào dòng sông mẹ Mê Kông.

Đọc lại “Rừng người Thượng”, tôi vẫn không khỏi khâm phục tầm mắt bao quát mà tỉ mỉ của Henri Maitre-người dẫn phái bộ khảo sát toàn diện Tây Nguyên, trong đó có Sê San vào năm 1910. Có điều, với mục đích phục vụ cho công cuộc chinh phục cao nguyên của thực dân Pháp, cái nhìn của Henri Maitre chỉ mới dừng lại ở góc độ địa lý. Mãi đến năm 1966, tầm nhìn năng lượng của con sông này mới được hãng Nipon Koie của Nhật điều tra khảo sát. Tiếp đó là Ủy ban sông Mê Kông năm 1971. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh, việc khai thác dòng sông tiềm tàng năng lượng này vẫn chỉ là ý tưởng. Cho đến năm 1978, Viện Quy hoạch Bộ Thủy lợi Việt Nam mới đặt lại vấn đề. 10 năm sau, với đề án khảo sát của Viện Năng lượng rồi Công ty Tư vấn khảo sát xây dựng điện I, tháng 9-1992, luận chứng kinh tế thủy điện Sê San mới được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Ngày 4-11-1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công Nhà máy Thủy điện Ia Ly. Mốc son chinh phục dòng sông điện Sê San chính thức bắt đầu.

Trong 6 nhà máy thủy điện trên dòng Sê San hôm nay, Ia Ly ngày ấy là “đứa con đầu lòng”. Sự kiện Ia Ly khởi công bởi vậy đã chiếm một dung lượng lớn trong đời sống báo chí lúc đó. Tuy nhiên, Ia Ly cũng là nhà máy phải nhiều “vận hạn” nhất. Lúc Ia Ly khởi công thì Liên Xô tan rã. Thiết bị cho nhà máy ta phải mua theo nghị định thư, khối lượng tính bằng tấn. Đến thời điểm hiện tại, có lẽ chưa có nhà máy nào... rẻ như Ia Ly. Suất đầu tư/kW lắp đặt, các nhà máy khác phải trong khoảng 1.500-1.800 USD nhưng Ia Ly chỉ có 800 USD. Lợi bất cập hại, sau khi chính thức vận hành không lâu thì 3 tổ máy đổ bệnh. Khác với thủy điện Hòa Bình, turbine của Ia Ly không phải dạng đỡ mà là dạng treo. Nếu nhà máy công suất nhỏ thì không thành vấn đề, nhưng cỡ Ia Ly thì đó là sự rắc rối lớn, chưa từng có ở Việt Nam. Trường hợp này lẽ thường là cho máy “đắp chiếu” để mời chuyên gia. Nhưng đất nước ngày đó đang khát điện, mỗi ngày ngừng máy là sản xuất thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Tin vào bản lĩnh và trí tuệ của đội ngũ kỹ thuật nhà máy, Ban Giám đốc đã xin phép Chính phủ, nhà máy chế tạo tự khắc phục… Bao nhiêu là tranh luận, bao nhiêu là mồ hôi trí tuệ cho những công việc không được phép sai lầm, cuối cùng, họ đã khắc phục được tất cả sự cố. Không chỉ làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, họ đã buộc các chuyên gia phải nể phục trí tuệ và bản lĩnh của người thợ điện Việt Nam.

“Vạn sự khởi đầu nan”, sau ngày Ia Ly khắc phục sự cố và vận hành thông suốt, những kinh nghiệm quản lý, vận hành cùng vốn liếng đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật đã đủ san sẻ, ngày 15-6-2002, nhà máy thủy điện thứ 2-Sê San 3 với công suất 260 MW được khởi công. Tiếp theo, năm 2003, Sê San 3A công suất 108 MW, Plei Krông 100 MW cũng được nhấn nút khởi công. Năm 2004, Sê San 4 công suất 360 MW, lớn thứ 2 sau Ia Ly được động thổ. Và cuối cùng, năm 2009 là thủy điện Thượng Kon Tum.

Dễ đã hơn chục năm rồi tôi mới có dịp thăm lại Ia Ly. Đêm trên hồ thật tuyệt diệu. Có cảm giác trước mắt tôi là tấm thổ cẩm đen được dát lên hàng triệu hạt kim cương. Sê San huyền sử trong trí tưởng tượng của tôi đã hóa biển. Sáu mặt biển giữa cao nguyên với tổng bề mặt hơn 200 km2. Biển lặng thầm với hành trình một đi không trở lại, góp vào mạch máu năng lượng của đất nước một nguồn năng lượng 1.768 MW. Sê San lèn chặt khát vọng bao đời đã thành dòng sông điện-một kỳ tích nối đôi bờ huyền sử. Và trước mắt tôi, đài tưởng niệm những người hy sinh khi xây dựng nhà máy vẫn sáng đèn.

 

 NGỌC TẤN
 

Có thể bạn quan tâm