TN - Đất & Người

Huyền thoại về nữ tù trưởng Yă Wam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên từ xa xưa đã là vùng đất của những huyền thoại, truyền thuyết, sử thi. Dường như mỗi ngọn núi, dòng suối, con sông, mỗi cánh rừng đều lung linh những huyền thoại gắn với những tù trưởng dũng mãnh như Đam San, những người phụ nữ xinh đẹp tựa hoa pơ lang như nàng H’Bia Jâo… Các truyền thuyết đều thể hiện tính nhân văn, như lời truyền dạy đạo lý cho đời sau. Câu chuyện về nữ tù trưởng mang tên Yă Wam là một ví dụ.

Yă, theo cách gọi của người Ê Đê và M’Nông nghĩa là bà. Theo truyền thuyết, Yă Wam là người phụ nữ Ê Đê xinh đẹp, không chồng, lại giàu có, cai quản vùng đất rộng lớn suốt từ Buôn Đôn đến Ea Súp, Cư M’Gar, Krông Buk (tỉnh Đak Lak hiện nay). Với sự cai quản nghiêm minh và nhân ái, Yă Wam được người Lào, Xiêm, Khmer chuyên giao thương qua biên giới kính nể và so sánh ngang với “Vua Lửa”, “Vua Nước” của người Jrai. Còn người Ê Đê, M’Nông trong vùng gọi Yă Wam là Mtao mniê (Vua Bà).

 

Tượng Yă Wam tại Khu Du lịch Thác Bảy nhánh. Ảnh: internet
Tượng Yă Wam tại Khu Du lịch Thác Bảy nhánh. Ảnh: internet

Truyền thuyết cũng kể rằng: Khi N’Thu Rnul-được tôn vinh là Vua Voi-từ đất nước Lào xuôi thuyền theo dòng sông Mê Kông, rồi ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Ê Đê, M’Nông, thấy vùng đất này phong cảnh hữu tình, sông suối hiền hòa, đất đai mênh mông, trù phú, người dân sống chân tình đầy lòng mến khách nên N’Thu Rnul đã đưa bộ tộc của mình đến đây cư trú. Do biết rõ tập tục đất đai có chủ nên lúc đầu ông chọn một số cồn đất nổi bên sông (nơi khu vực thác Bảy Nhánh hiện nay) để lập làng: Làng Đảo (gọi theo tiếng Lào là bản Đon, trong đó bản là làng, Đon là đảo. Về sau mọi người quen gọi là Bản Đôn hoặc gọi theo tiếng Ê Đê là Buôn Đôn). Thêm một huyền thoại thực thực hư hư khác, đó là đã có một mối tình tuyệt đẹp giữa nữ tù trưởng giàu có với vị “Vua Voi” dũng mãnh.

Tuy nhiên, việc Yă Wam cắt đất cho N’Thu Rnul là chuyện có thật. Theo đó, bà đã chia cho ông N’Thu Rnul vùng đất ven sông Sêrêpôk để lập làng mới, nay là khu vực buôn Trí, thuộc huyện Buôn Đôn. Vậy là một vùng đất đầy huyền thoại gắn bó với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà đã kết nối bền chặt các tộc người M’Nông, Jrai, Ê Đê và Lào chung sống yên bình bên nhau, tạo nên một miền quê long lanh bản sắc văn hóa ở Buôn Đôn hàng trăm năm qua. Ngày nay, người ta không tìm ra những hình ảnh về bà nhưng họ hàng gốc tích vẫn còn. Buôn được gọi theo tên bà còn đó, chính là buôn Yă Wam (xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đak Lak).

*
Xe chúng tôi bon bon trong lồng lộng gió trên con đường đất đỏ giờ đã được trải nhựa; mặt đường loang loáng như đổ nước trong cái nắng xuộm vàng. Dẫu đang là những ngày oi bức đánh dấu bước chuyển mùa, song những vườn cà phê, cây trái vẫn ngát xanh một màu. Bến nước ông bà của buôn xưa nay biến thành một chiếc hồ rộng, mặt nước lao xao vỗ bờ. Trên vùng đất do bà cai quản từ hàng trăm năm trước, câu chuyện về bà dường như vẫn còn mới nguyên trong những ngôi nhà dài sẫm màu thời gian. Tất cả người dân nơi đây khi lớn lên đều đã được nghe ông bà kể về Yă Wam, người nữ tù trưởng được tổ tiên kính trọng. Bởi lẽ, bà có sức mạnh lạ thường, có thể điều khiển được mọi vật. Thú dữ cũng phải vâng lời bà, Yàng cũng nghe thấu lời cầu xin của bà. Vì thế mà vùng đất này luôn mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngập tràn những điều tốt đẹp. Những lời Yă Wam dạy về kinh nghiệm sản xuất lương thực, chiến đấu chống lại các thế lực xấu, cách tổ chức các nghi lễ… đến nay vẫn còn trong ký ức của những người già. Già làng Aê Đóa trầm ngâm nhớ lại: “Việc săn bắn, lập buôn là của đàn ông, nhưng Yă Wam chỉ đạo làm được hết. Bà mải mê chăm lo cho dân mà quên lấy chồng. Bà còn dạy nhiều thứ như đánh chiêng, cúng Yàng, làm rẫy… Khi bà chết đi, người trong buôn ai cũng nhận là con cháu bà”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, già Aê Toan cũng rất tự hào nói rằng mình là con cháu của dòng họ Yă Wam. Lúc còn nhỏ, Aê Toan đã được nghe kể rằng tổ tiên của mình là một nữ tù trưởng giàu có, đầy quyền lực đã dẫn dắt mọi sinh hoạt cộng đồng của người Ê Đê, M’Nông vùng này. Vẫn còn đây 2 ngôi mộ được đồng bào coi là của 2 người em thuộc họ hàng bà Yă Wam. Qua năm tháng, 2 ngôi mộ nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê và cây ăn quả của già Ma Tuân (buôn Yă Wam A) nhưng trên mộ không bao giờ có cây to mọc, dân làng cũng không đụng dao cuốc vào mảnh đất này để họ yên nghỉ.

Cũng tại nơi này, tên người nữ tù trưởng Yă Wam đã được đặt cho lâm trường, nay là Công ty Buôn Yă Wam, đơn vị quản lý, bảo vệ gần 9.000 ha rừng thuộc các huyện giáp ranh Cư M’Gar như Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Buk, Buôn Đôn. Tại khu du lịch thác Bảy Nhánh, nơi N’Thu Rnul lập làng, người dân còn dựng tượng Yă Wam và N’Thu Rnul. Chẳng biết đúng hay sai nhưng dân gian cho rằng: “Chạm vào bầu sữa Yă Wam sẽ có được những người con trai, con gái mạnh khỏe. Chạm vào tay bà sẽ được ban cho sự giàu có. Chạm vào tay N’Thu Rnul sẽ được ban cho sức mạnh vô biên”.

*
Trong kho tàng văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, những huyền thoại lúc nào cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn vì luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, coi con người là kết tinh những gì tinh túy nhất của tạo hóa. Huyền thoại về Yă Wam cũng cho thấy, trong văn hóa các tộc người thiểu số Tây Nguyên, người phụ nữ luôn luôn được đề cao, có vai trò quyết định đối với những việc quan trọng. Và Yă Wam là một nhân vật đặc biệt vì thể hiện rõ vai trò mẫu hệ, mẫu quyền trong tâm thức người dân tộc Ê Đê.

Chúng tôi thầm nghĩ, nếu 2 ngôi mộ cổ được tôn tạo, cùng với cảnh quan sẵn có của buôn Yă Wam hay một số địa chỉ khác của huyện Cư M’Gar và huyền thoại về người nữ tù trưởng, chắc chắn nơi đây sẽ hình thành một vùng du lịch văn hóa đầy nội lực.

Tìm về quá khứ, nhưng đích đến của cuộc hành trình không phải ở sự tiếc nuối mà là hướng đến tương lai. Nói cách khác, việc tìm kiếm và phát huy những giá trị nhân văn trong văn hóa truyền thống chính là quá trình nhìn nhận rõ hơn những giá trị của dân tộc, giúp chúng ta tự tin hơn về những gì mình đã có, đang có và tiếp tục phát huy nó trong cuộc sống hiện tại trên vùng đất Tây Nguyên đầy huyền tích này.

Xuân Hòa-H’linh Niê

Có thể bạn quan tâm