Kinh tế

Tài chính

Ia Grai: 1.871 lượt hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn ưu đãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 5-7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2023.

Dự hội nghị có ông Đỗ Văn Đông-Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt hơn 75 tỷ đồng với 1.871 lượt hộ vay, tập trung chủ yếu vào cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội, cho vay hộ dân tộc thiểu số theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính Phủ…

Cụ thể, các chương trình đã giúp 680 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, người lao động vay vốn sản xuất kinh doanh; giúp các hộ xây mới, cải tạo sữa chữa trên 960 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; trên 180 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn hỗ trợ học tập... Tổng dư nợ đến nay hơn 455 tỷ đồng, bình quân dư nợ 42,4 triệu đồng/hộ. Những đơn vị đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao trên mức bình quân chung của huyện là thị trấn Ia Kha, các xã: Ia O, Ia Chía, Ia Dêr, Ia Pếch, Ia Tô, Ia Sao.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Nhật

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Nhật

Hội nghị đã dành thời gian thảo luận về những khó khăn trong quá trình triển khai các chương trình cho vay thời gian qua. Đồng thời, đã thống nhất triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tín dụng chính sách 6 tháng cuối năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đỗ Văn Đông lưu ý: Phòng giao dịch NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp cùng các hội đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát, tổ chức tuyên truyền vận động, hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để các hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay vốn; vận dụng tối đa các cơ chế để mở rộng cho vay, nâng mức cho vay, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Thực hiện cho vay chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đối với các làng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 17/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính Phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Tập trung củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn; phối hợp các hội đoàn thể tạo điều kiện cho các hội viên có dự án khởi nghiệp, lập nghiệp được vay vốn thực hiện. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác trong quản lý, kiểm tra giám sát đối tượng vay vốn.

Có thể bạn quan tâm