Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Grai: Chủ động tránh hạn cho vụ Đông Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, trên địa bàn tỉnh ta, hạn hán có thể xảy ra trong vụ Đông Xuân 2017-2018. Vì vậy, huyện Ia Grai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tránh hạn cho vụ Đông Xuân, quyết tâm giành một vụ sản xuất thắng lợi.

Bước vào vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Ia Grai căn cứ kế hoạch UBND tỉnh giao và điều kiện thực tế của địa phương để giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn trên địa bàn. Đặc biệt, huyện xác định triển khai sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả, không để thiệt hại do hạn như  các vụ Đông Xuân trước.

 

Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) làm đất để gieo sạ lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam
Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) làm đất để gieo sạ lúa vụ Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam

Để thực hiện điều đó, huyện  giao các địa phương thành lập Ban chỉ đạo sản xuất Đông Xuân nhằm rà soát thực tế khả năng cung cấp nước tưới tại các cánh đồng để xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất chi tiết cho từng cánh đồng. Sau đó, các xã, thị trấn xây dựng chỉ tiêu sản xuất theo nhu cầu thực tế của địa phương để báo cáo, đề xuất với UBND huyện. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết:  Huyện triển khai đăng ký kế hoạch sản xuất Đông Xuân từ cấp xã bởi đây là đơn vị trực tiếp quản lý và nắm bắt tình hình, rà soát thực trạng địa phương mình tốt nhất. Từ đó, các xã, thị trấn có thể xác định khả năng sản xuất ở từng cánh đồng, đánh giá nguồn nước sử dụng cho các loại cây trồng.

Ngoài ra, theo cơ quan chuyên môn của huyện, nắng hạn, thiếu nước chỉ có thể xảy ra ở cuối vụ do có sự cạnh tranh nguồn nước tưới giữa cây công nghiệp dài ngày và cây lúa. Do đó, Đội Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi huyện đã xây dựng kế hoạch tưới, điều tiết nước cho từng công trình thủy lợi; hoàn thành việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp công trình đảm bảo phát huy năng lực tưới; tổ chức nạo vét kênh mương các công trình thủy lợi và chuẩn bị máy bơm, nhiên liệu để sẵn sàng phục vụ công tác chống hạn. Đồng thời, cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh và khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa chủ lực ngắn ngày, có khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh tốt như: TH 205, QR2, SH2, CH 2007, OM 6976, HC1, HT1, D9V108, ML48 và các loại giống  bắp Bioseed 9689, CP919, CP333…

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2017-2018, huyện Ia Grai gieo trồng 1.610 ha cây trồng các loại. Trong đó, có 1.400 ha lúa Đông Xuân, 10 ha bắp, 200 ha rau các loại. Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được hơn 80% tổng diện tích. Tình hình xuống giống năm nay chậm hơn những năm trước. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay lạnh hơn mọi năm, lịch gieo trồng vụ Đông Xuân lại trùng với thời điểm thu hoạch cà phê nên hạn chế nhân công. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tuy xuống giống chậm hơn vụ trước nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

“Để hạn chế thiệt hại do nắng hạn, chúng tôi đã giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn giảm khoảng 300 ha so với những vụ trước. Tổ chức rà soát, thống kê những vùng có thể  bị hạn để tuyên truyền, vận động người dân không gieo trồng vụ này. Vận động nhân dân chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng cạn hoặc cần ít nước hơn. Để đảm bảo sản xuất,  UBND huyện chỉ đạo và gắn trách nhiệm cho từng ngành, từng địa phương. Theo đó, xã nào để nhân dân gieo trồng trên các cánh đồng thường xuyên bị hạn mà không triển khai công tác tuyên truyền, vận động, không rà soát các cánh đồng chặt chẽ thì Chủ tịch UBND xã, thủ trưởng các cơ quan được giao phụ trách xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện”-ông Đào Lân Hưng cho biết thêm.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm