Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Ia Grai: Mạo hiểm với nghề nuôi yến

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khoảng 2 năm trở lại đây, chim yến xuất hiện khá nhiều ở huyện biên giới Ia Grai, Gia Lai. Một số hộ dân nơi đây đã mạo hiểm đầu tư tiền tỷ xây nhà nuôi yến và bước đầu thu được kết quả khả quan.

“Đứa con trai của tôi lên 4 tuổi đau ốm triền miên, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Vợ chồng tôi phải thường xuyên mua yến để tẩm bổ cho con. Nhưng chất lượng yến thời buổi này không biết đâu mà lần, chỉ tự sản xuất ra mới yên tâm”-chị Nguyễn Thị Dung (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nói về lý do mạo hiểm bỏ tiền tỷ để xây nhà nuôi yến.

 

Chị Dung bên tổ yến mới thu hoạch. Ảnh: P.T
Chị Dung bên tổ yến mới thu hoạch. Ảnh: P.T

Chị Dung cho biết, năm 2016, sau khi tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, vợ chồng chị đã vào các tỉnh ở miền Nam để tham quan các mô hình nuôi yến trong nhà. Trước khi xây dựng nhà nuôi yến, vợ chồng chị còn mời kỹ sư chuyên môn về dẫn dụ xem yến có tới hay không. Thấy yến tìm về, vợ chồng chị mới tiến hành xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 200 m2 với hàng trăm cửa sổ nhỏ để chim yến chui vào. Bên trong nhà nuôi yến, vợ chồng chị đầu tư lắp đặt đầy đủ trang-thiết bị kỹ thuật.

“Khi nhà yến đưa vào sử dụng cũng là lúc vợ chồng tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Cứ chiều chiều, hai vợ chồng lại ra trước sân nhà ngóng từng cánh chim yến bay về. Ban đầu là vài con rồi ngày càng tăng dần. Đến nay, tôi cũng không đếm được trong nhà nuôi yến có bao nhiêu con nữa”-chị Dung cho biết thêm.

Là người đầu tiên xây dựng nhà nuôi yến ở huyện Ia Grai, vợ chồng chị Dung bị nhiều người coi là “có vấn đề”. Thế nhưng, sau 2 năm thực hiện, mô hình nuôi yến trong nhà của vợ chồng chị đã cho kết quả khả quan. Hiện nay, mỗi tháng, chị Dung thu được từ 1,2 kg đến 1,5 kg tổ yến thô, giá bán là 28 triệu đồng/kg. Còn tổ yến đã qua sơ chế có giá dao động khoảng 32-35 triệu đồng/kg. Số lượng tổ yến gia đình chị Dung thu được hiện không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Cũng nhen nhóm ý định từ khá lâu nhưng đến năm 2016, ông Hoàng Văn Tuấn (tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha) mới mạnh dạn đầu tư xây nhà ở và dành tầng trên cùng để nuôi yến. Ông Tuấn cho biết: Tầng 3 dành để nuôi yến có diện tích 50 m2 do tôi tự mày mò học hỏi và hướng dẫn thợ xây dựng. Còn thiết bị kỹ thuật bên trong như: hệ thống phun sương, hệ thống âm thanh dẫn dụ… thì tôi thuê hẳn một đơn vị chuyên về xây dựng nhà yến lắp đặt với tổng chi phí gần 700 triệu đồng. Hiện tại, gia đình tôi đã thu được sản phẩm tổ yến nhưng chỉ mới đủ để dùng và bán một ít cho người quen. Cũng theo ông Tuấn, nghề nuôi chim yến trong nhà phải có duyên, bởi đây là “lộc trời cho”. Chim yến là loài rất chung thủy, nếu đã làm tổ ở nơi nào thì sẽ gắn bó mãi với nơi đó.

Thấy một số hộ nuôi yến trong nhà thu được hiệu quả bước đầu, gần đây, nhiều hộ ở xã Ia Pếch, thị trấn Ia Kha, xã Ia Tô (huyện Ia Grai) cũng đã đầu tư xây nhà nuôi yến. Tuy nhiên, theo những người có chuyên môn, đây là một nghề khá mạo hiểm. Bởi lẽ, chim yến không phải là loại dễ nuôi, cũng không phải cứ xây nhà yến là chim về làm tổ. Ngoài ra, xây nhà nuôi chim yến còn đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao. Vì vậy, các hộ dân cần thận trọng tìm hiểu kỹ càng trước khi thực hiện mô hình này để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Phan Thương

Có thể bạn quan tâm