Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Ia Grai: Nỗ lực giúp dân thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, nhiều hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ia Grai, Gia Lai đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ông Đào Hải Nam-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Grai-cho biết: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” được huyện triển khai thực hiện từ năm 2011 với sự tham gia của 274 hộ và chọn làm điểm ở 92 thôn, làng trên địa bàn. Để cuộc vận động đạt hiệu quả, hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; đồng thời tích cực phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Huyện Đoàn tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động và triển khai các giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo về vốn, cây-con giống, tập huấn kỹ thuật. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cũng đẩy mạnh các phong trào “Kho thóc cựu chiến binh”, “Hũ gạo tình thương”, “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”… Nhờ đó, trong giai đoạn này đã có 143 hộ vươn lên thoát nghèo (chiếm 52,19%). Nhiều hộ đã xây được nhà mới khang trang, mua máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt và giúp đỡ lại nhiều hộ khác cùng phát triển kinh tế.
 Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình anh Rơ Châm Yim (làng Yam, thị trấn Ia Kha) luôn cho năng suất cao. Ảnh: H.T
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình anh Rơ Châm Yim (làng Yam, thị trấn Ia Kha) luôn cho năng suất cao. Ảnh: H.T
Nhà có 1 ha đất trồng cà phê nhưng vì không có vốn đầu tư phân bón nên năng suất vườn cây của anh Rơ Châm Yim (làng Yam, thị trấn Ia Kha) đạt thấp. Từ năm 2013 đến nay, sau 3 lần được Hội Nông dân huyện và thị trấn giúp vay 120 triệu đồng từ vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh đã đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn cây nên hiệu quả sản xuất đạt cao hơn. Đặc biệt, từ tiền bán cà phê, cuối năm 2017, anh đã mua thêm được 1 ha cà phê kinh doanh để làm vốn sản xuất. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, mỗi năm 2 ha cà phê của anh cho thu 5-7 tấn nhân, trừ chi phí lãi trên 150 triệu đồng. “Mạnh dạn mở rộng diện tích vườn cây để phát triển kinh tế và biết tiết kiệm chi tiêu hợp lý nên thu nhập của gia đình tôi được cải thiện đáng kể. Nhờ đó, cuối năm 2018, gia đình đã xây được căn nhà khang trang và được công nhận thoát nghèo”-anh Rơ Châm Yim phấn khởi chia sẻ.  
Nói về các hoạt động giúp đỡ hội viên, ông Trần Hoài Ngọc-cán bộ Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho hay: Thực hiện cuộc vận động, Hội Nông dân nhận giúp đỡ 91 hộ dân tộc thiểu số nghèo. Thời gian qua, Hội đã tích cực phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất-chăn nuôi, dạy nghề và vận động bà con cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, hầu hết các hội viên tham gia cuộc vận động đều được Hội hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, Hội cũng ưu tiên dành 2/3 tổng kinh phí do UBND huyện cấp theo chương trình Quỹ “Hỗ trợ nông dân huyện” và Quỹ “Vì người nghèo” để giúp các hộ nghèo mua bò và cây giống. Cộng với sự nỗ lực của các hộ, đến nay, toàn huyện có 57/91 hộ vươn lên thoát nghèo. “Những hộ chưa thoát nghèo là do không có đất sản xuất, gặp rủi ro trong cuộc sống hoặc thu nhập bị ảnh hưởng do giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp giúp đỡ hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, cây-con giống, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước”-ông Ngọc nói.
Trao đổi thêm với P.V, ông Đào Hải Nam cho rằng, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số không phải là chuyện một sớm, một chiều mà là một quá trình lâu dài cần sự vào cuộc vận động, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị. Do vậy, thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tốt nếp sống văn hóa, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động và các mô hình hay; đồng thời, tiếp tục tiết kiệm chi tiêu, cải tạo vườn tạp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm