Kinh tế

Tài chính

Ia Grai phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp hiệu quả của các tổ chức chính trị-xã hội, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn huyện Ia Grai đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai-cho biết: Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện được kiện toàn đảm bảo cơ cấu thành viên theo quy định, trong đó có trưởng các phòng, ban liên quan cấp huyện, chủ tịch UBND 13/13 xã, thị trấn. Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện ban hành các văn bản chỉ đạo rà soát nhu cầu vay vốn hàng năm, đồng thời chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài nguồn vốn Ngân hàng CSXH cấp trên phân bổ, giai đoạn 2015-2024, UBND huyện bố trí ngân sách địa phương 8,5 tỷ đồng chuyển Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hàng năm, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện bám sát yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Việc thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác bán phần qua các tổ chức chính trị-xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên huyện và 49/52 hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác qua 266 tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, làng, tổ dân phố. Năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện gần 487 tỷ đồng, tăng hơn 55 tỷ đồng so với năm 2022; doanh số cho vay đạt hơn 141,3 tỷ đồng, bằng 110% so với năm 2022 với 3.298 lượt hộ vay; tổng dư nợ hơn 486,5 tỷ đồng với 10.987 hộ vay, dư nợ bình quân 40,3 triệu đồng/hộ.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai làm thủ tục giải ngân vốn cho hộ vay tại điểm giao dịch xã. Ảnh: T.N

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai làm thủ tục giải ngân vốn cho hộ vay tại điểm giao dịch xã. Ảnh: T.N

Ông Trịnh Viết Hùng-Chủ tịch UBND xã Ia Tô-cho hay: “Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở triển khai cho vay các chương trình tín dụng CSXH. Đồng thời, quan tâm phối hợp tạo điều kiện cho người dân làm các thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng như thực hiện giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả”.

Còn ông Nguyễn Xuân Bổn-Chủ tịch UBND xã Ia Bă thì thông tin: Toàn xã có 8 thôn, làng với 1.461 hộ, trong đó, 30% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại xã hơn 37,3 tỷ đồng với 859 khách hàng, dư nợ bình quân 43,4 triệu đồng/hộ. Trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Hội Nông dân đạt dư nợ cao nhất với hơn 15 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ ở huyện Ia Grai đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Puih Dyim (làng Mít Kom, xã Ia O) cho hay: “Nhà mình trước đây thuộc diện hộ nghèo. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện và địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, gia đình đầu tư trồng hơn 1.000 cây cà phê và 4 sào lúa nước. Nhờ đó, gia đình đã thoát nghèo, đời sống ngày càng ổn định”.

Nông dân xã Ia Sao huyện Ia Grai trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Thanh Nhật

Nông dân xã Ia Sao huyện Ia Grai trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Ảnh: Thanh Nhật

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Hồng Nhung-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai-cho biết: Năm 2024, Phòng Giao dịch tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Chủ động tham mưu giúp HĐND, UBND huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Vận dụng tối đa các cơ chế để mở rộng cho vay, cho vay bổ sung, nâng mức cho vay bình quân/hộ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm