Kinh tế

Doanh nghiệp

Ia Grai quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ các loại hình kinh tế tập thể và doanh nghiệp. Đây được xem là giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện biên giới này.

Quan tâm kinh tế tập thể

Hiện nay, huyện Ia Grai có 29 hợp tác xã (HTX) với 1.868 thành viên và 21 tổ hợp tác. Khi tham gia HTX và tổ hợp tác, bà con nông dân được hưởng rất nhiều lợi ích như: được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn để có sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao; được vay vốn để đầu tư sản xuất; hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm…

Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn năm 2024. Ảnh: T.N

Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn năm 2024. Ảnh: T.N

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô có hơn 100 thành viên, trồng gần 170 ha cây ăn quả, chủ yếu là sầu riêng và chôm chôm. Ông Lê Trung Giang-Giám đốc HTX-cho biết: “Hàng năm, HTX tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả cho thành viên, góp phần nâng cao trình độ canh tác, hiệu quả vườn cây. Việc chuyển đổi từ một số cây trồng truyền thống của địa phương sang trồng cây ăn quả như: chôm chôm, sầu riêng bước đầu đã mang lại thu nhập ổn định cho thành viên. Hợp tác xã còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành chuyên môn của huyện trong việc triển khai xây dựng vườn cây đầu dòng, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Chôm chôm Ia Grai-Gia Lai”.

Tương tự, Tổ hợp tác nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Dêr cũng đang hoạt động khá hiệu quả. Ông Ksor Tư-Chủ nhiệm Tổ hợp tác-thông tin: “Trước đây, người dân canh tác các loại giống lúa thuần, năng suất chỉ đạt khoảng hơn 4 tạ/sào. Gần đây, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình giống lúa chất lượng cao, năng suất ước đạt 6 tạ/sào. Lúa được Tổ hợp tác thu mua và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo A Sanh, bán ra thị trường với giá bình quân 20 ngàn đồng/kg. Tổ hợp tác hiện có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất và cam kết thực hiện theo mô hình liên kết, tiêu thụ sản phẩm gạo A Sanh. Tổ đang tiếp tục xây dựng các mô hình đưa giống lúa mới vào sản xuất, liên kết với các tổ hợp tác sản xuất lúa gạo khác, tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm”.

Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo A Sanh. Ảnh: T.N

Tổ hợp tác nông nghiệp và Dịch vụ xã Ia Dêr liên kết tiêu thụ sản phẩm gạo A Sanh. Ảnh: T.N

Đồng hành với doanh nghiệp

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Ia Grai luôn quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Trọng Bảo-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ia Grai-Chư Păh-cho hay: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp có số lượng và quy mô, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, Chi cục đã thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế theo quy định. Bên cạnh đó, Chi cục chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế; phối hợp tổ chức tập huấn về các chính sách thuế mới; tổ chức đối thoại về chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuế”.

Còn ông Cao Tấn Đức-Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Ia Grai Đông Gia Lai thì cho hay: “Năm 2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp của Chi nhánh là 180 tỷ đồng, chiếm gần 18% tổng dư nợ. Chi nhánh đang thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thương mại. Đặc biệt, năm 2024, đơn vị triển khai chương trình cho vay ưu đãi ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi từ 3% đến 6,5%/năm, cho vay trung-dài hạn đối với khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 7,5%/năm; triển khai chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp xuất-nhập khẩu và nhiều chương trình hỗ trợ khác đối với khách hàng doanh nghiệp”.

Công ty TNHH Một thành viên Phương Tiến (thị trấn Ia Kha) vừa được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng về thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế và phát triển doanh. Ảnh: T.N

Công ty TNHH Một thành viên Phương Tiến (thị trấn Ia Kha) vừa được Chủ tịch UBND huyện khen thưởng về thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế và phát triển doanh. Ảnh: T.N

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai đã ký quyết định khen thưởng các doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện chính sách, pháp luật thuế và phát triển doanh nghiệp năm 2023. Trong đó có Công ty cổ phần Tân Cảnh Tây Nguyên (xã Ia Sao), Công ty TNHH một thành viên Phương Tiến (thị trấn Ia Kha), Công ty TNHH một thành viên Sơn Huyền Phát Gia Lai (xã Ia Dêr), Công ty TNHH một thành viên Cà phê Thu Hường (thị trấn Ia Kha). Ngoài sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật và nghĩa vụ thuế, hàng năm, các doanh nghiệp này đã tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đỗ Văn Đông cho biết: “Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, năm 2024, huyện tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết, thu hút đầu tư vào những dự án thuộc thế mạnh của địa phương. Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định; nâng cao hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của huyện nhà”.

Có thể bạn quan tâm