Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Ia Mơ Nông vận động người dân xóa bỏ hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Để tránh lãng phí, tốn kém cho gia chủ và người đi viếng, chính quyền xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã tích cực vận động người dân từ bỏ những hủ tục trong việc ma chay.

“Nợ ma chay là cái nợ dai dẳng. Đời mình không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải thay mình trả”. Đây là lời ta thán của ông Siu Plô (làng Amơng) khi nhắc đến chuyện tổ chức ma chay của người Jrai địa phương và tập tục “koh bao, koh bo, koh bui” (đập trâu, đập bò, đập heo) cho người đã chết. Theo tập tục của người Jrai từ xưa đến nay, đám ma thường diễn ra tại nhà trong vòng 2 ngày 2 đêm, cộng với 2 ngày tổ chức cúng tiễn, ăn uống tại khu vực nhà mồ.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất, con cái hoặc anh em ruột thịt trong gia đình có thể “đập trâu, đập bò, đập heo” để cúng người đó. Đồng thời, tùy theo mức độ quan hệ thân thích mà bà con dòng họ, bạn bè, người quen biết trong làng, ngoài xã khi đến viếng có thể “đập trâu, đập bò, đập heo” cho người đã chết. Bởi theo luật bất thành văn trong cộng đồng Jrai, nếu như trước kia, gia đình người ta đã “đập” con gì cho gia đình mình thì nay mình phải đi lại y như vậy cho dù có đủ khả năng, điều kiện kinh tế hay không.

Biết rằng tập tục này gây tốn kém, lãng phí nhưng bà con không dễ từ bỏ. Bởi theo lý giải của ông Rơ Chăm Bim (làng Kép 2), một khi khách khứa, bà con trong làng hoặc dòng họ đến viếng đám ma, gia chủ phải có miếng thịt biếu lại để họ mang về. Còn nếu họ đã “đập 1 con heo”, “đập 1 con bò” thì gia chủ có nghĩa vụ phải chia nửa con để họ mang về. Đương nhiên, nếu không mổ heo, mổ bò thì gia chủ không có đủ thịt để chia cho những người đến thăm viếng theo tập tục. Ngược lại, nếu gia chủ được “đập” quá nhiều thì số thịt mổ ra rất dễ bị hư hỏng, lãng phí. Tính theo thời giá hiện nay, mỗi con heo có giá cả triệu đồng, một con bò có giá từ 12 triệu đồng trở lên, một con trâu có giá khoảng 20 triệu đồng, trong trường hợp gia chủ không đủ khả năng, điều kiện kinh tế thì buộc phải đi vay mượn để tổ chức ma chay, có khi tốn kém cả trăm triệu đồng.

Hiện nay, đồng bào Jrai chiếm tới 83% dân số của xã Ia Mơ Nông, nguồn thu nhập chính của bà con hầu hết từ trồng lúa, mì, bắp, cao su tiểu điền, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một điều đáng lưu ý là thu nhập bình quân đầu người của xã rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18,76%. “Xã vẫn còn làng Kép 2 và làng Amơng phải nhận hỗ trợ từ Chương trình 135. Đời sống của bà con nhìn chung còn nhiều khó khăn. Do đó, căn cứ vào thực tế, xã tiến hành vận động người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu, một trong những nguyên nhân gây nên đói nghèo”-ông Rơ Chăm Bét-Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết.

Bắt đầu triển khai từ tháng 3-2018, đến nay, xã Ia Mơ Nông đã tổ chức các cuộc họp dân tại 5 làng Jrai và 1 thôn. Thông qua tiếng nói của già làng, trưởng thôn hoặc những người có uy tín trong cộng đồng, chính quyền địa phương đã vận động bà con học tập theo nếp sống mới, thay đổi dần dần việc “đập trâu, đập bò, đập heo” cho người đã khuất. “Vừa rồi, ở làng Kép 2 có một đám ma. Gia chủ đã có sẵn heo cúng rồi, bà con trong làng chỉ đi viếng bằng phong bì thôi. Trước mắt, chúng tôi vận động bà con bỏ bớt hủ tục. Chỉ anh em, con cái trong nhà nếu có điều kiện thì “đập”, còn họ hàng xa là không cho “đập” nữa”-ông Bét cho biết thêm.

Để thay đổi được nếp nghĩ lâu đời của đồng bào Jrai đương nhiên không dễ dàng. Song với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hy vọng rằng, trong tương lai không xa, những tập tục lạc hậu của đồng bào Jrai ở Ia Mơ Nông sẽ được xóa bỏ.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm