Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Pa chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Đến nay, huyện Ia Pa đã chuyển đổi hơn 1.800 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhiều nông dân nhanh nhạy nắm bắt và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây, con phù hợp để đem lại giá trị kinh tế cao”-ông Trần Đình Đức-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trưởng (thôn Blôm, xã Kim Tân) cho hay: Thời gian trước, gia đình ông trồng 6 ha mì và điều. Vài năm trở lại đây, cây mì thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp. Từ năm 2020 đến nay, ông chuyển 5 ha đất sang trồng 600 cây na dai, 150 cây Thanh Nhãn, 150 cây mít Thái ruột đỏ Malaysia. “Các loại cây trồng này sẽ cho thu hoạch vào năm 2023. Riêng 600 cây na dai đã cho thu bói được 1,4 tấn với giá bán 15-25 ngàn đồng/kg. Việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Nếu 1 ha mì chỉ lãi khoảng 20 triệu đồng/năm thì trồng na dai lãi gấp 6-7 lần. Hiện gia đình tôi còn 1 ha đất đang được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống nhãn và ổi rubi ruột đỏ xen canh làm mô hình điểm. Mô hình thành công sẽ góp phần hỗ trợ nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế vườn hộ”-ông Trưởng chia sẻ.
Theo ông Lê Hữu Hưng-Chủ tịch UBND xã Kim Tân: Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, hình thành các vùng chuyên canh. Người dân đã chuyển đổi hơn 70 ha mì, mía sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Người dân xã Ia Ma Rơn áp dụng khoa học kỹ thuật trong gieo giống cây thuốc lá. Ảnh: Nguyên Hương
Ia Ma Rơn cũng là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi cây trồng ở huyện Ia Pa. Toàn xã hiện đã chuyển đổi khoảng 50 ha cây trồng hiệu quả kém sang trồng dưa hấu, thuốc lá, khoai lang và một số cây ăn quả. Ông Rô Kly (thôn H’Lim 1) là một trong những hộ tiên phong đưa cây thuốc lá, dưa hấu, khoai lang, mít Thái về trồng xen trên diện tích đất sẵn có. Đến nay, gia đình ông có 3 sào thuốc lá, 1 ha lúa và chăn nuôi. “Trồng cây ăn quả cho thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu trên 300 triệu đồng/năm”-ông Kly nói.
Ông Võ Tấn Công-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ma Rơn-cho biết: Trước đây, nhiều hộ chỉ trồng lúa, năng suất đạt thấp. Từ khi chuyển đổi diện tích đất không đủ nước sang trồng dưa hấu, thuốc lá, đậu xanh đã giúp nhiều gia đình khá lên trông thấy. Tuy nhiên, diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã còn ít và còn mang tính tự phát. Do đó, xã có chủ trương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để người dân có đầu ra ổn định hơn.
Cán bộ xã Ia Ma Rơn hướng dẫn người dân chăm sóc giống mì mới HN5. Ảnh: Đinh Yến
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, người dân huyện Ia Pa đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Theo đó, bà con nông dân sử dụng những giống lúa mới đạt chất lượng cao như: PC15, Đài Thơm 8, CPR97 và giống mì HN5; đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Bà Đoàn Thị Phú Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Trung tâm đang liên kết với Tập đoàn Thái Bình Seed nhằm bao tiêu sản phẩm giúp người dân nhân rộng mô hình sản xuất trong các vụ tiếp theo.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa thông tin: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên thực tế cũng gặp không ít khó khăn, nhất là tâm lý e ngại của người dân khi chuyển sang sản xuất các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng dài, vốn đầu tư lớn như: ca cao, cây dược liệu… Do đó, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thông tin, tuyên truyền các chủ trương, định hướng lớn theo Nghị quyết số 06-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Dự án “Đánh giá thích nghi đất đai, phân vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng huyện Ia Pa đến năm 2030” để người dân nắm được các vùng sản xuất tập trung gắn với từng loại cây trồng. Huyện cũng tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.
ĐINH YẾN - NGUYÊN HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm