TN - Đất & Người

Ia Pa đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện của các cấp, các ngành nên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Ia Pa ngày càng đi vào chiều sâu, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Làng căn cứ cách mạng Tờ Khế (xã Ia Tul) đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Ảnh: T.Đ
Làng căn cứ cách mạng Tờ Khế (xã Ia Tul) đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Ảnh: T.Đ

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền và sự phối hợp thống nhất hành động của các ban, ngành, đoàn thể, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa sâu rộng ở huyện Ia Pa. Phong trào đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu chính đáng; đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh...; từ đó xuất hiện nhiều tấm gương người tốt-việc tốt, điển hình tiên tiến trong công tác, lao động, sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nếp sống văn hóa mới, giữ gìn an ninh trật tự, khuyến học, khuyến tài, xây dựng cảnh quan môi trường, thi đua cải tiến lề lối làm việc…

 Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2015, toàn huyện Ia Pa có 6.117/11.500 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 53%; 38 làng văn hóa, đạt 50,6% và 53 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 58%... Đặc biệt, có nhiều gia đình, thôn, làng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh; nhiều tập thể, cá nhân được tuyên dương khen thưởng trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đây là những điển hình tiên tiến góp phần nâng cao giá trị văn hóa cũng như giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

 

Ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa cho biết: “Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020 là: 70% làng đạt danh hiệu làng văn hóa, trong đó có 30% số làng đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn mới; 83% số gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu gia đình văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa; 60% người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, trong đó thu hút 30% người dân luyện tập thể dục-thể thao thường xuyên…”.

Đặc biệt, phong trào văn nghệ, thể dục-thể thao tại các thôn làng, trường học phát triển mạnh; các xã tổ chức nhiều buổi văn nghệ mừng Đảng-mừng Xuân và các hoạt động văn hóa-thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn hàng năm; đa số thôn, làng, trường học đều xây dựng được đội văn nghệ, thường xuyên tập luyện, sinh hoạt. Hầu hết các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ tại thôn, làng vùng đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar để tuyên truyền các hoạt động chính trị ở địa phương… Phong trào xã hội hóa thể dục-thể thao được nhân rộng với trên 25,2% số người, 60% cơ quan, đơn vị, trường học có sân chơi, bãi tập đáp ứng nhu cầu tập luyện thường xuyên. Nhiều cơ quan, đơn vị xây dựng được phong trào thể dục-thể thao, tham gia thi đấu đạt nhiều giải cao, như: xã Ia Ma Rơn, Chư Mố, Phòng Giáo dục-Đào tạo, Công an huyện… Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm xây dựng với 27 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng từ huyện đến thôn. Huyện quan tâm, động viên người dân bảo tồn và gìn giữ văn hóa cồng chiêng và giá trị quý báu của nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ, đồng thời, tôn vinh các nghệ nhân dân gian, động viên họ truyền dạy cho thế hệ trẻ các nghề cổ truyền, như: chỉnh chiêng, đan gùi, dệt thổ cẩm…

Bên cạnh đó, các ban ngành, địa phương của huyện Ia Pa đã thực hiện công khai, dân chủ và bám sát các tiêu chuẩn đề ra để bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Nhờ vậy, chất lượng và số lượng làng, gia đình, cơ quan văn hóa được nâng lên, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần những cái lạc hậu, hình thành dần những tập quán mới văn minh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các lễ hội truyền thống như: bỏ mả, mừng lúa mới, báo hiếu cha mẹ, thổi tai em bé… của người Jrai được duy trì và tổ chức trang trọng, đảm bảo tiết kiệm.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm