TN - Đất & Người

Ia Pa hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, cấp ủy và chính quyền huyện Ia Pa xác định sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng lợi thế địa phương, đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Diện mạo nông thôn mới ở Ia Pa ngày càng đổi thay tích cực.                         Ảnh: T.Đ
Diện mạo nông thôn mới ở Ia Pa ngày càng đổi thay tích cực. Ảnh: T.Đ

Gia đình chị Nay HPhum (buôn Bi A, xã Ia Tul) nhiều năm qua là hộ nghèo vì kinh tế chỉ trông chờ vào mấy đám rẫy mì trên nền đất khô hạn, năng suất bấp bênh. Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, 3 năm qua, chị HPhum đã mạnh dạn đầu tư trồng mì cao sản. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình chị HPhum thu nhập khoảng 100 triệu đồng, đến nay đã thoát nghèo. Hai năm nay, chị HPhum đã mua được 5 ha đất trồng mì và đang tham gia mô hình trồng mì mẫu lớn cùng với 27 hộ dân khác trên cánh đồng mì rộng 30 ha tại xã Ia Tul dưới sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa. Chị HPhum vui vẻ nói: “Trồng mì cao sản có tưới nước cho năng suất cao hơn 2 lần trồng mì theo cách cũ. Vụ thu hoạch vừa rồi, sau khi trừ chi phí, tôi và các hộ dân tham gia mô hình thu lời mỗi ha được gần 20 triệu đồng. Nếu cứ tiếp tục nhân rộng mô hình này sẽ giúp nhiều gia đình trong xã thoát nghèo”.

Cây mì cao sản tại huyện Ia Pa được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm, chỉ đạo nông dân đầu tư trồng theo quy hoạch, có sự phối hợp với Nhà máy Sản xuất tinh bột sắn ở xã Pờ Tó về quy trình gieo trồng, chăm sóc và hướng đến bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân. Khả năng huyện có thể phát triển diện tích mì lên 7.000 ha, riêng xã Ia Tul là 600 ha. Với diện tích này, nếu gặp thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định thì mỗi năm nông dân xã Ia Tul thu hàng chục tỷ đồng, số tiền không nhỏ đối với một xã đặc biệt khó khăn, dân số chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Jrai. Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul, ông Nguyễn Phi Loan, vui mừng cho biết: “Cây mì cao sản sẽ cùng với cây lúa, chăn nuôi bò trở thành nông sản hàng hóa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ia Pa tích cực chỉ đạo sử dụng các nguồn vốn chương trình, dự án đầu tư cho các huyện nghèo sau Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông, công trình thủy lợi… để người dân sản xuất, đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi. Đến nay, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm; ô tô cũng đã đến được nhiều thôn, làng; 15 công trình trạm bơm điện trên địa bàn luôn đạt hiệu quả tưới trên 80% diện tích thiết kế, đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh.

Để khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện sử dụng một phần các nguồn vốn nêu trên và ngân sách địa phương để hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Với việc kiên trì chỉ đạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, các mô hình ruộng mía mẫu lớn, lúa mẫu lớn, mì mẫu lớn, trồng gấc, trồng gừng, trồng cỏ chăn nuôi bò... đang hứa hẹn cách làm mới trong hợp tác sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, huyện tích cực quảng bá, mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, mang lại thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo cho nông dân. Trong đó, huyện phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đầu tư 4 mô hình trồng mía mẫu lớn có tưới nước ở xã Chư Mố trên diện tích 26 ha cho năng suất gần 80 tấn/ha, mở ra cơ hội nhân rộng mô hình, phát triển thêm diện tích trên vùng đất hơn 1.000 ha quanh năm khô hạn của 4 xã phía Đông sông Ba và lâu dài sẽ phát triển trên 5.000 ha mía của toàn huyện.

Ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa là bước đi chiến lược, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, qua đó giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa đồng thời liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản là hướng đi của địa phương trong những năm tới”.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm