(GLO)- Huyện Ia Pa (Gia Lai) đang vào cuộc kiên quyết ngăn chặn tình trạng các hộ dân sử dụng trái phép gỗ, củi rừng tự nhiên làm chất đốt sấy thuốc lá.
Toàn huyện Ia Pa hiện có hơn 970 ha chuyên canh cây thuốc lá. Loại cây trồng này đã giúp hàng trăm hộ nông dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, không ít hộ trở nên giàu có. Để bán sản phẩm cho các công ty đầu tư thì nông dân phải sấy khô lá thuốc. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 230 lò chuyên sấy thuốc lá tập trung ở các xã: Ia Trok, Ia Broăi, Pờ Tó, Chư Răng, Ia Tul, Ia Ma Rơn, Ia Kdăm.
Xử lý lò sấy thuốc lá dùng gỗ, củi rừng tự nhiên làm chất đốt. Ảnh: Trần Đức
|
Theo báo cáo của ngành chức năng, phần lớn các hộ đều ký cam kết không sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá. Tuy nhiên, trong thực tế, toàn huyện vẫn còn 37 lò sấy tận dụng củi rừng tự nhiên để làm chất đốt sấy thuốc lá.
Mới đây, trong chuyến công tác tại huyện Ia Pa, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang trực tiếp đi kiểm tra 2 lò sấy thuốc lá ở làng Bi Yông (xã Pờ Tó). Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy phát hiện có đến hàng trăm khúc củi, gỗ rừng tự nhiên đường kính 10-20 cm được cắt ngắn 0,5-1 m xếp thành đống dài để chờ sấy thuốc lá. Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền huyện Ia Pa, xã Pờ Tó và Hạt Kiểm lâm huyện phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có Công văn số 1685/UBND-NL giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa yêu cầu các cơ sở sấy thuốc lá ký cam kết không sử dụng gỗ, củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tìm phương án sử dụng công nghệ sấy tiên tiến thay thế công nghệ sấy bằng chất đốt như hiện nay.
Chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Ia Pa đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tình hình sấy thuốc lá và lò gạch trên địa bàn. Đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với UBND xã Ia Trok tổ chức kiểm tra tất cả 103 lò thuốc lá trên địa bàn xã. Qua kiểm tra thực tế, thời gian này chưa đến mùa sấy thuốc lá, đa số các hộ dân không có củi hay các chất đốt khác; một số hộ thì chuẩn bị củi vườn để sấy thuốc lá vụ tới. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 5 hộ cất giữ gỗ, củi rừng tự nhiên xung quanh lò sấy thuốc lá. Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa về Hạt Kiểm lâm tạm giữ 0,879 m3 gỗ tròn, 19,5 ster củi và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 15 triệu đồng đối với 5 hộ vi phạm. Cùng thời điểm, xã Chư Răng và xã Ia Tul đã tự tổ chức lực lượng đi kiểm tra các lò sấy thuốc lá và không phát hiện chủ lò sấy nào cất giữ củi rừng.
Ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa-cho hay: “Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện phối hợp với UBND các xã tổ chức cho các hộ dân có lò sấy thuốc lá, lò gạch ký cam kết không sử dụng củi rừng tự nhiên làm chất đốt dẫn, mồi, nguyên liệu để sấy thuốc, đốt lò gạch. Nếu phát hiện hộ dân không thực hiện đúng cam kết thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”.
Cùng với đó, UBND huyện Ia Pa đã tổ chức họp với đại diện lãnh đạo 5 công ty chuyên đầu tư và thu mua nguyên liệu thuốc lá trên địa bàn, chính quyền các xã và các hộ trồng thuốc lá trong huyện để thảo luận tìm ra phương án thay thế chất đốt; chuyển từ sử dụng củi rừng tự nhiên sang xây dựng lò sấy bằng năng lượng mặt trời, lưới giữ nhiệt, than đá… “Huyện đặt mục tiêu trong niên vụ 2018-2019 không còn hộ dân vi phạm việc sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc lá”-ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết.
Ông Hương cho biết thêm, UBND huyện Ia Pa chỉ đạo cơ quan chức năng, trong đó Hạt Kiểm lâm huyện đóng vai trò chủ đạo giúp các xã xử lý vi phạm theo quy định của Nhà nước; UBND các xã phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn cùng với các chủ lò sấy thuốc lá tiến hành ký cam kết và phải thực hiện đúng cam kết không dùng gỗ, củi tự nhiên để làm chất đốt. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp, các chủ lò sấy thuốc lá tham gia trồng rừng. Công ty liên doanh thuốc lá BAT Vinataba có chiến lược lâu dài về vấn đề bảo vệ môi trường; có chính sách đầu tư trực tiếp, trong đó có mô hình chuyển đổi công nghệ sấy… Đặc biệt là không thu mua, không đầu tư đối với những chủ lò sấy mà UBND huyện đã lập biên bản vi phạm lần thứ 3.
Trần Đức