TN - Đất & Người

Ia Phang một ngày nắng rộp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một ngày đầu tháng 3 Tây Nguyên, nắng phồng rộp trên con đường 14, chúng tôi lội trong bụi công trường trên những cung đường đang nâng cấp để đến với xã Ia Phang, huyện Chư Pưh. Bí thư Đảng ủy xã Ngô An Bình và cùng Chủ tịch UBND xã Trần Văn Sơn đưa chúng tôi đi thực tế một số địa điểm của địa phương đang xây dựng nông thôn mới.

Đây là một trong 2 xã điểm của huyện Chư Pưh chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, đến nay đã đạt 15/19 tiêu chí theo quy định. Đến thôn Hòa Sơn nằm ngay trên trục lộ 14, chủ yếu là dân Quảng Nam đi kinh tế mới từ những năm 80 thế kỷ trước. Nhìn nhà cửa khang trang, ai cũng có vườn tược trồng tiêu, cà phê, đời sống người dân ổn định, nhiều hộ giàu có, chúng tôi khấp khởi, tin tưởng ở sự nỗ lực tự thân của người dân xứ Quảng cần cù và những người dân bản địa hiền lành, chất phác.

 

Ảnh: Bùi Quang Vinh
Ảnh: Bùi Quang Vinh

Đến thăm gia đình cụ Võ Thị Hiền (ngoài thất thập) với căn biệt thự bề thế vào hàng nhất nhì của thôn, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ với cơ ngơi hoành tráng bằng chính sức lao  động của mình làm nên. Đây là gia đình chính sách, gương mẫu của địa phương. Tôi tự hào, nói vui với cụ Hiền: Nếu ở xứ Quảng mình dù có lao động cần cù đến mấy thì cũng chưa chắc tích lũy được một gia sản vững chắc như thế này! Cụ Hiền cười hiền lành tán thành với câu nhận xét của tôi. Nhưng sau đó cụ lại chỉ sang một ngôi nhà cấp 4 bên cạnh, nói: Gia đình ông ấy cũng từ Duy Xuyên-Quảng Nam vào đây cùng lượt với tôi nhưng chưa thể giàu lên được vì nhiều lý do. Gia đình tôi cũng nhờ “trời cho” làm được nhiều hơn mất… Tôi hiểu câu thanh minh của cụ Hiền. Dù có “địa lợi, nhân hòa” nhưng thiếu đi vế “thiên thời” thì khó đạt được mục tiêu của mình, dẫu là có sự nỗ lực của bản thân.

Chúng tôi quan sát vườn tiêu trong khuôn viên nhà cụ Hiền với khoảng vài trăm trụ nhưng đã có dấu hiệu bị bệnh và thoái hóa. Các đồng chí lãnh đạo xã cho biết, trên địa bàn các vườn tiêu của dân cũng thường xuất hiện các loại bệnh lạ ở cây tiêu. Năm 2013, theo thống kê đã có 15 ha tiêu chết mà không có cách nào khắc phục được. Vườn tiêu nhà ai đó nếu không may gặp phải bệnh khó trị này thì xem như trắng tay. Tôi thầm nghĩ, nếu đầu tư cho nông nghiệp, nông dân mà không nghĩ đến một nền sản xuất hiện đại, có khoa học-kỹ thuật mà chỉ có “cầu may” như thế này thì khó đạt đến độ bền vững. Ở vùng chuyên canh cây tiêu đã có thương hiệu như Chư Sê, Chư Pưh hiện nay thì không thể bất lực trước các loại bệnh xuất hiện ở loại cây có giá trị xuất khẩu như thế sẽ làm nản lòng người nông dân mỗi khi quyết định đầu tư. Tại sao chúng ta không nghĩ đến sự ra đời của trung tâm nghiên cứu tại địa phương để giúp người dân phát triển loại cây đặc sản này?

Đến Plei Chư Pô 2, cách quốc lộ 14 độ 200 mét có đường nhựa và bê tông đến từng con hẻm trong làng khá bài bản, với trên 230 hộ, chủ yếu là người Jrai. Nơi đây có điểm trường làng được xây dựng cấp 4, có hệ thống nước sạch nhưng chưa tải về cho từng hộ sử dụng. Hầu hết các hộ dân đều có vườn trồng tiêu và họ đang bước vào thời kỳ cuối vụ thu hoạch của năm 2013-2014, năng suất bình quân 50 tạ/ha. Nhìn chung đời sống người dân khá ổn định, nhiều hộ người Jrai đã vươn lên có cuộc sống khá giả; số hộ nghèo và cận nghèo ngày càng giảm.

Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: Cách đây chừng 13 năm, nơi đây là một trong những điểm phức tạp về an ninh-chính trị của địa phương khiến cấp ủy và chính quyền nhiều phen đau đầu tìm giải pháp để ổn định tình hình. Sau khi tìm hiểu những nguyên nhân của nhiều vụ tụ tập gây rối, các ban ngành của xã và huyện đã làm tốt công tác dân vận, giải quyết triệt để những yêu cầu chính đáng của nhân dân, đồng thời loại dần nhưng phần tử phá hoại cầm đầu, tăng cường giúp dân sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt; từ đó họ nhận thức ra những điều hay lẽ phải, lo chung tay xây dựng cuộc sống mới.

Theo báo cáo của xã Ia Phang, trong năm 2013, diện tích gieo trồng của địa phương đạt gần 2.307 ha, tăng 115 ha so với năm trước; trong đó cây lúa có 295 ha với năng suất gần 50 tạ/ha, cây công nghiệp dài ngày đạt gần 925 ha, riêng cây hồ tiêu chiếm 45% diện tích. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã Ia Phang giai đoạn 2011-2015 đã được triển khai khá tích cực và đồng bộ nên bước đầu đạt được những tiến bộ đáng kể. Đặc biệt phải kể đến công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, đến nay đạt hơn 10.430 mét đường nhựa và bê tông hóa, gần 30% là đường cấp phối với tổng kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp là 1,364 tỷ đồng (gồm cả tiền công và đất hiến). Có thể nói các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ và HĐND xã Ia Phang đã và đang được cán bộ và nhân dân địa phương nỗ lực vượt lên những khó khăn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm.

Chúng tôi rời Ia Phang trong buổi chiều nhạt nắng nhưng cái nóng vẫn chưa hết trêu ngươi. Hai bên đường, những sân phơi hạt tiêu cuối vụ của người dân còn đầy ắp. Đâu đó những khuôn mặt sạm nắng với nụ cười mãn nguyện sau vụ tiêu tuy chưa gọi là được mùa-được giá, nhưng họ tự hào vì đã có sự đóng góp của mình cho mảnh đất vốn mệnh danh là “Vương quốc hồ tiêu” ngày càng phát triển bền vững.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm