Điểm đến Gia Lai

Ia Piar lưu giữ nghề dệt truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy bận rộn với việc nương rẫy nhưng chưa khi nào những người phụ nữ Jrai ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện, Gia Lai) rời xa khung cửi. Mới đây, họ còn tham gia Nông hội dệt thổ cẩm xã Ia Piar để duy trì nghề dệt truyền thống cũng như giới thiệu đến du khách gần xa về những sản phẩm độc đáo của dân tộc mình.



Những đôi tay tài hoa

Gần 70 tuổi nhưng ngày nào bà Nay H'Kuch (làng Rbai) cũng gắn bó với khung cửi mà mẹ bà để lại. Bà bắt đầu biết dệt từ năm 15 tuổi. Ban đầu, bà chỉ dệt được những tấm thổ cẩm đơn giản nhưng đến năm 20 tuổi thì dệt thành thạo các sản phẩm thổ cẩm truyền thống như: áo, váy, khố, khăn địu. Sau này, nhờ học được nhiều cách tạo hoa văn mới, các sản phẩm thổ cẩm của bà trở nên đa dạng và bắt mắt hơn. Theo chia sẻ của bà H'Kuch, trước đây, màu sắc chủ đạo của các sợi bông chủ yếu là đen và đỏ, được nhuộm màu bằng vỏ cây rừng nên sản phẩm dệt ra hơi thô. Sau này, các sợi chỉ bán sẵn có màu sắc phong phú, chất liệu mềm mại nên sản phẩm tạo ra bắt mắt hơn và được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, nhiều cô gái trẻ trước khi “bắt” chồng thường tìm đến đặt mua thổ cẩm bà dệt để làm sính lễ.

 Bà H'Kuch nổi tiếng dệt đẹp nên nhiều phụ nữ trẻ thường tìm đến học dệt. Ảnh: H.T
Bà H'Kuch nổi tiếng dệt đẹp nên nhiều phụ nữ trẻ thường tìm đến học dệt. Ảnh: H.T



Sau hơn 20 năm gắn bó với khung cửi, đến nay, các sản phẩm thổ cẩm do bà Nay H'Li (cùng làng) tạo ra không những phong phú về mẫu mã, kiểu dáng mà còn bắt mắt nhờ có sự sáng tạo trong cách tạo hoa văn và phối hợp màu sắc. Đây cũng là lý do nhiều phụ nữ trong làng thường tìm đến bà để học kỹ thuật dệt. Tuy giá sản phẩm của bà bán ra khá cao, từ 500.000 đến 1.600.000 đồng/sản phẩm nhưng vẫn thu hút nhiều khách hàng đặt mua. Nhờ nguồn thu từ việc bán sản phẩm thổ cẩm cộng với sự chịu khó trong sản xuất, bà H'Li đã nuôi được 3 người con học đại học.

Phát huy nghề truyền thống

 


Đến dự buổi ra mắt Nông hội dệt thổ cẩm xã Ia Piar mới đây, ông Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị xã Ia Piar và huyện Phú Thiện quan tâm hỗ trợ kinh phí bước đầu. Riêng Ban Chủ nhiệm nông hội cần vận động những người lớn tuổi có kỹ thuật, có kinh nghiệm truyền nghề lại cho những người trẻ tuổi; đồng thời đổi mới cách làm, sáng tạo trong việc tạo ra các sản phẩm bền, đẹp, bắt mắt để thu hút người tiêu dùng.

Ngoài bà H'Kuch và H'Li, trên địa bàn xã Ia Piar vẫn còn nhiều người biết và duy trì nghề dệt truyền thống của dân tộc. Vì vậy, năm 2018, xã Ia Piar đã phối hợp mở lớp dạy dệt thổ cẩm cho phụ nữ trong xã. Mới đây, xã còn vận động 25 phụ nữ ở các làng Gok và Rbai tham gia thành lập Nông hội dệt thổ cẩm xã Ia Piar để duy trì nghề dệt cũng như giúp nhau tăng thu nhập từ việc bán sản phẩm. Chị Siu Cúc Cu-Chủ nhiệm nông hội-chia sẻ: “Thời gian tới, nông hội sẽ tiếp tục kết nạp thêm thành viên và thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó tạo sức hút đối với thị trường tiêu thụ. Chúng tôi cũng mong các ngành, các cấp tạo điều kiện về kinh phí sinh hoạt, hỗ trợ tìm kiếm thị trường để nông hội hoạt động hiệu quả hơn”.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Piar-cho biết: Việc thành lập nông hội có ý nghĩa rất quan trọng trong gìn giữ nghề dệt truyền thống và tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn. Vì vậy, xã luôn sẵn sàng hỗ trợ nếu các thành viên có nhu cầu vay vốn ngân hàng hoặc đề xuất với huyện hỗ trợ về kinh phí hoạt động. “Hàng tháng, lãnh đạo xã tham gia sinh hoạt cùng nông hội để nắm tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Về lâu dài, xã cũng sẽ đưa sản phẩm của nông hội trưng bày, giới thiệu tại các chương trình do các hội, đoàn thể tổ chức và các hoạt động du lịch của địa phương, giúp nông hội tiêu thụ sản phẩm”-ông Khanh khẳng định.

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm