Điểm đến Gia Lai

Ia Rtô giảm nghèo nhờ truyền thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xác định thiếu hụt thông tin là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, thời gian qua, chính quyền xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã đẩy mạnh truyền thông giúp người dân tiếp cận các nguồn thông tin hữu ích, từ đó vận dụng sáng tạo vào thực tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đa dạng hình thức truyền thông

Đúng 11 giờ và 17 giờ mỗi ngày, hệ thống loa truyền thanh xã Ia Rtô bắt đầu tiếp sóng chương trình truyền thanh của thị xã Ayun Pa, Đài Tiếng nói Việt Nam để cung cấp cho thính giả những thông tin thời sự, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo. Theo anh Ksor Mang-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Rtô, hệ thống loa truyền thanh là kênh thông tin hữu ích với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn xã có 6 cụm loa truyền thanh, trong đó, 5 cụm đặt tại 5 thôn, buôn và 1 cụm đặt tại trụ sở UBND xã.

Nhờ tiếp cận nhiều nguồn thông tin hữu ích mà ông Kpă Krik (buôn Jứ Ama Nai) đã phát triển kinh tế gia đình với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Ảnh: V.C

Nhờ tiếp cận nhiều nguồn thông tin hữu ích mà ông Kpă Krik (buôn Jứ Ama Nai) đã phát triển kinh tế gia đình với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Ảnh: V.C

Ngoài tiếp sóng các chương trình của trung ương, địa phương, hệ thống loa truyền thanh còn là công cụ chuyển tải văn bản chỉ đạo của các cấp một cách nhanh nhất. “Đọc nguyên theo văn bản thì bà con khó nhớ, khó hiểu nên trước khi phát thông báo, tôi chọn lọc những ý chính liên quan đến địa phương rồi thông báo trên loa truyền thanh bằng 2 thứ tiếng Kinh và Jrai. Những thông tin quan trọng sẽ được phát đi phát lại trong nhiều ngày để mọi người đều cập nhật. Mỗi lần phát thông báo, tôi đều dành thời gian chạy xe quanh các thôn, buôn kiểm tra để căn chỉnh tần số phù hợp hay kịp thời sửa chữa nếu có hư hỏng xảy ra”-anh Mang chia sẻ.

Cùng với việc phát huy tối đa công năng của hệ thống loa truyền thanh, chính quyền xã Ia Rtô còn đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức khác. Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Uyên cho hay: Xã đã thành lập tổ truyền thông gồm 9 người, trong đó có cán bộ tư pháp, văn hóa-xã hội, các hội, đoàn thể. Nhiệm vụ chính của tổ là cùng với lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND xã khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp như cấp trên hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, hỗ trợ sinh kế, vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc họp thôn, buôn hay hoạt động “Ngày thứ năm cơ sở”, tổ truyền thông giới thiệu về những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo để người dân học hỏi làm theo. Nhờ đó, nhận thức của người dân từng bước thay đổi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, giảm nghèo bền vững.

Ông Kpă Krik (buôn Jứ Ama Nai) cho biết: Nếu như trước đây, bà con ít quan tâm hoặc khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin hữu ích thì với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, mọi người có thể cập nhật thông tin mọi lúc mọi nơi. Thêm vào đó, cán bộ xã thường xuyên sâu sát cơ sở nắm bắt tình hình thực tế để hỗ trợ người dân kịp thời. Nhờ vậy, bà con nắm bắt nhiều thông tin hữu ích để học tập, vận dụng vào sản xuất và đời sống; mạnh dạn vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế. “Bản thân tôi nhờ tham gia các lớp tập huấn nên biết trồng cỏ, tích trữ rơm chăn nuôi bò nhốt chuồng hơn 20 con, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 3 ha thuốc lá. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 150 triệu đồng”-ông Krik chia sẻ.

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Trên cơ sở rà soát các tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo, năm 2022, UBND xã Ia Rtô kêu gọi xã hội hóa xây dựng 2 căn nhà “Đại đoàn kết” và 11 nhà vệ sinh trị giá 150 triệu đồng cho 11 hộ đăng ký thoát nghèo. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường vận động, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cuối năm 2022, 11 hộ đăng ký đều đã thoát nghèo, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 2,52%; số hộ cận nghèo còn 6,35%.

Là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống của chị Rcom H'Lóc (buôn Phu Ma Nher 2) gặp nhiều khó khăn. Nhờ các cơ quan, đơn vị hỗ trợ, mẹ con chị có căn nhà khang trang để ở, có nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng. Hội Liên hiệp phụ nữ xã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giới thiệu việc làm thêm nên chị có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. “Được giúp đỡ nhiều rồi nên từ nay tôi sẽ quyết tâm làm ăn để nhường sự hỗ trợ cho người khác còn khó khăn hơn”-chị H'Lóc phấn khởi nói.

Năm 2017, sau khi chồng qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo, một mình bà Nay H'Oan (buôn Jứ Ama Nai) nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Không có nhà ở nên bà buộc phải dắt con về nương nhờ nhà mẹ đẻ. Khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã trích Quỹ “Vì người nghèo” hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, bà H'Oan vui mừng khôn xiết. Bà bộc bạch: “Không chỉ được hỗ trợ nhà, gia đình tôi còn được hỗ trợ 1 con bò sinh sản và được hướng dẫn tiêm phòng, trồng cỏ làm thức ăn cho vật nuôi. Cuối năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo. Cuộc sống hiện đã ổn định hơn trước rất nhiều”.

Bà Nay H’Oan (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô) vui mừng bên căn nhà "Đại đoàn kết" được hỗ trợ. Ảnh: Vũ Chi

Bà Nay H’Oan (buôn Jứ Ama Nai, xã Ia Rtô) vui mừng bên căn nhà "Đại đoàn kết" được hỗ trợ. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Đinh Văn Lích-Trưởng thôn Jứ Ma Nai: Hiện nay, bà con rất cần thông tin về cách thức làm ăn, nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Vì vậy, với vai trò trưởng thôn, ông thường xuyên tìm hiểu những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả trên báo chí rồi giới thiệu cho bà con trong các buổi họp thôn; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân về nạn “tín dụng đen”, hướng dẫn bà con vay vốn ưu đãi từ ngân hàng cũng như tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, cuối năm 2022, thôn chỉ còn 4 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Năm 2023, thôn tiếp tục phấn đấu có thêm 1 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn xuống còn 2,2%. Thôn đề nghị cấp trên hỗ trợ 1 hộ đăng ký thoát nghèo trong năm nay 1 con bò sinh sản để có thêm sinh kế thoát nghèo.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Long cho biết: Ia Rtô đã về đích nông thôn mới từ năm 2017. Hiện xã đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, Ia Rtô là xã thuần nông với 78% là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2023, xã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%, cận nghèo còn 6%. Để đạt chỉ tiêu đề ra thì nhiệm vụ quan trọng là giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính quyền địa phương tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh truyền thông để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Với những hộ đăng ký thoát nghèo, Mặt trận và các đoàn thể phụ trách giúp đỡ trực tiếp, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, các tiêu chí thiếu hụt để hỗ trợ phù hợp, kịp thời, tạo động lực cho các hộ đăng ký thoát nghèo theo đúng kế hoạch, làm gương cho các hộ nghèo còn lại trong xã học tập làm theo.

Có thể bạn quan tâm