Xã hội

Ia Rtô phát huy vai trò đoàn thể trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhiều mô hình giúp nhau thoát nghèo

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rtô hiện có 812 hội viên, trong đó có 2 hội viên thuộc hộ nghèo và 18 hội viên cận nghèo. Nhằm chung tay cùng chính quyền địa phương kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, mỗi năm, Hội LHPN xã đăng ký giúp 2 hội viên thoát nghèo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hội chú trọng thành lập các mô hình, câu lạc bộ (CLB) gây quỹ giúp nhau giảm nghèo, tiêu biểu như CLB Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế (BHYT).

Năm 2022, CLB Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua BHYT được thành lập tại buôn Phu Ma Miơng với 30 thành viên. Mỗi chị tham gia CLB được Hội tặng 1 con heo đất. Hàng tháng, mỗi chị bỏ tiết kiệm vào heo tối thiểu 30 ngàn đồng. Sau 1 năm tiết kiệm, đầu năm 2023, tất cả thành viên đều có kinh phí tham gia BHYT.

Từ thành công của mô hình này, năm 2023, Hội LHPN xã tiếp tục tuyên truyền, vận động thành lập CLB Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua BHYT tại buôn Jứ Ama Nai với 25 thành viên. Ngay sau khi ra mắt, 7 thành viên tự nguyện mua BHYT, các thành viên còn lại sẽ đập heo trong tháng 10 và quyết tâm mua BHYT cho cả gia đình.

Chị Siu HVút-Chủ nhiệm CLB-chia sẻ: “Khi tham gia CLB, các thành viên được tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, được tặng heo đất và hướng dẫn cách tiết kiệm. Chị em thống nhất đến ngày 20-10 tới sẽ đập heo tập trung nên ai cũng háo hức, cố gắng tiết kiệm nhiều hơn để có kinh phí mua BHYT và đầu tư sản xuất trong vụ tới”.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế tại buôn Phu Ma Miơng. Ảnh: V.C

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Rtô ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua bảo hiểm y tế tại buôn Phu Ma Miơng. Ảnh: V.C

Theo chị Mang Thị Tuyết Như-Chủ tịch Hội LHPN xã, cùng với thành lập CLB Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm mua BHYT, cuối tháng 9 vừa qua, Hội đã thành lập mô hình Làng phụ nữ kiểu mẫu tại buôn Phu Ma Nher 1 với 30 thành viên. Việc thành lập mô hình, CLB là một trong những cách đưa thông tin đến với người dân kịp thời và hiệu quả nhất. Thông qua các buổi sinh hoạt, Ban Chấp hành Hội nắm được tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ để có kế hoạch giúp đỡ kịp thời. Ai thiếu vốn, Hội hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; ai chưa có kinh nghiệm sản xuất, Hội cử người hướng dẫn kỹ thuật cụ thể; ai chưa có việc làm thì được hỗ trợ tìm việc… Nhờ vậy, chị em tự tin vươn lên phát triển kinh tế.

Ban Chấp hành Hội đang duy trì nguồn quỹ do 9 thành viên trong Ban Chấp hành đóng góp với mức 300 ngàn đồng/người/năm. Quỹ luân chuyển cho các thành viên trong Ban Chấp hành vay để phát triển sản xuất. Được xây dựng từ năm 2021, đến nay, nguồn quỹ đã hỗ trợ 3 chị vay nuôi heo, bò và trồng mì, phát huy hiệu quả.

Ngay từ đầu năm, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã khảo sát hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để giới thiệu, tín chấp vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, thông qua 4 tổ vay vốn, tổng dư nợ do Hội LHPN xã đứng ra tín chấp cho hội viên vay là hơn 10 tỷ đồng. “Nhân “ngày thứ 5 cơ sở”, cán bộ Hội xuống thôn, buôn kiểm tra các hình thức đầu tư sản xuất của chị em.

Mô hình nào hiệu quả, Hội giới thiệu để chị em học tập, phát huy. Nhờ đó, nhận thức của chị em có sự chuyển biến, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại như trước. Nhiều chị chủ động gọi điện nhờ Hội hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Đời sống của hội viên ngày càng được cải thiện, chị em tự tin khẳng định mình, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội”-chị Như thông tin thêm.

Để ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”, năm 2017, Hội Nông dân xã thành lập CLB Nông dân với pháp luật gồm 17 thành viên. Định kỳ 3 tháng/lần, CLB tổ chức sinh hoạt, nắm bắt tư tưởng hội viên. Ban Chấp hành Hội Nông dân xã phối hợp với cán bộ Tư pháp, Công an, cán bộ Ngân hàng cung cấp thông tin về những thủ đoạn, phương thức cho vay lãi nặng, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen”, các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi tại địa phương; đồng thời, phổ biến các gói vay, khoản vay ưu đãi giúp hội viên thuận tiện trong việc huy động vốn đầu tư sản xuất.

Ông Siu Tông (buôn Phu Ma Nher 1) bộc bạch: “Tôi làm nghề thợ mộc từ năm 2002. Đến năm 2017, sau khi tham gia CLB, nhờ được hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cùng số tiền tích góp được, tôi mới có điều kiện đầu tư máy móc, trang-thiết bị mở xưởng mộc tại nhà. Hiện nay, tôi đã trả hết nợ. Mỗi năm, tôi thu nhập trên 150 triệu đồng, là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã”.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo ông Phan Tấn Sỹ-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rtô: Toàn xã hiện có 720 hội viên, trong đó có 2 hội viên thuộc diện hộ nghèo và 12 hội viên cận nghèo. Nhằm giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững, thông qua các buổi sinh hoạt thôn, buôn, Hội lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con nông dân sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đến nay, hơn 90% diện tích cây trồng trên địa bàn xã đều sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giảm chi phí thuê nhân công, góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Năm 2022, toàn xã có 250 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp tỉnh 2 người, cấp thị xã 23 người, còn lại là cấp xã. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Nhờ được hỗ trợ thông tin, 10 hộ dân xã Ia Rtô mạnh dạn liên kết trồng ớt lai F1 số 20 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Nhờ được hỗ trợ thông tin, 10 hộ dân xã Ia Rtô mạnh dạn liên kết trồng ớt lai F1 số 20 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Bên cạnh một số cây trồng chủ lực của địa phương như mì, thuốc lá, tháng 5-2023, Hội Nông dân xã chủ động liên kết với Công ty TNHH một thành viên Thương mại Nguyễn Đức Cường (tỉnh Hải Dương) triển khai mô hình trồng ớt lai F1 số 20. Sau khi trực tiếp gặp mặt, tuyên truyền, vận động phổ biến các chính sách hỗ trợ từ Công ty, 10 hộ tiên phong tham gia mô hình trên diện tích 10 ha. Hiện ớt đang cho thu hoạch lứa thứ 3 với năng suất đạt 4 tấn/sào. Sau khi trừ chi phí, bà con có lãi 130-150 triệu đồng/ha.

Công ty đang xin chủ trương xây dựng xưởng chế biến tại Cụm Công nghiệp Ia Sao nhằm mở rộng vùng nguyên liệu tại chỗ. Đây là tín hiệu đáng mừng, không chỉ mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Mỗi lần thu hái, Công ty huy động 50-100 nhân công với thù lao 200-250 ngàn đồng/ngày giúp nhiều lao động có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tham gia vào công tác giảm nghèo bền vững, với vai trò là cầu nối những tấm lòng nhân ái đến với người nghèo, năm 2022, Hội Chữ thập đỏ xã trao tặng 40 suất quà trị giá 18,5 triệu đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã tặng 13 suất quà trị giá 8 triệu đồng cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách tại địa phương nhân các ngày lễ, Tết. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã kêu gọi xã hội hóa xây dựng 2 căn nhà “Đại đoàn kết” và 11 nhà vệ sinh trị giá 150 triệu đồng cho 11 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo, trao tặng 104 suất quà trị giá 65 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Thọ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-cho hay: Trên cơ sở rà soát các tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực giúp các hộ nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Với những hộ đăng ký thoát nghèo, Mặt trận có kế hoạch hỗ trợ cụ thể giúp đạt mục tiêu đề ra. Năm 2023, xã có 11 hộ đăng ký thoát nghèo. Với những hộ này, Mặt trận kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ kinh phí giúp xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Qua rà soát, cuối năm 2022, xã Ia Rtô còn 24 hộ nghèo, chiếm 2,52% dân số; 60 hộ cận nghèo, chiếm 6,35%. Tỷ lệ hộ dân tham gia BHYT đạt 44,12%. Năm 2023, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%, cận nghèo 6%, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 55,48%; phấn đấu xây dựng buôn Phu Ma Nher 1 và buôn Jứ Ama Nai đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Long cho hay: Để đạt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, cùng với việc huy động nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng những hình thức khác nhau, tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thông tin bổ ích nhằm nâng cao ý thức tự vươn lên của người dân, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với những gương người tốt-việc tốt, các mô hình kinh tế hiệu quả, xã chỉ đạo thông tin rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử của xã cũng như trong các buổi sinh hoạt thôn, buôn để lan tỏa, nhân rộng trong cộng đồng. Chính quyền địa phương cũng tạo cơ chế chính sách thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết sản xuất, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm