Phân bổ hơn 1,8 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo
Những ngày này, gia đình bà Rah Lan H'Oanh (buôn Phu Ma Miơng) rộn ràng niềm vui. Không vui sao được khi ước mơ về một căn nhà khang trang đã thành hiện thực. Bà H'OanH'Oanh) tâm sự: “Đầu tháng 10 vừa qua, căn nhà được hoàn thành với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 40 triệu đồng đối ứng, phần còn lại do gia đình tích góp và vay mượn thêm họ hàng. Vợ chồng tôi đang làm công nhân ở xa nhưng mỗi tháng cố gắng dành dụm để trả dần nợ cho mẹ. Chúng tôi đi làm xa, mẹ ở nhà có căn nhà kiên cố để ở nên cũng yên tâm”.
Bà Ksor H'Boar (bìa phải, buôn Phu Ma Miơng) chia sẻ niềm vui khi có căn nhà mới với bà con trong buôn. Ảnh: V.C |
Cách đó không xa, căn nhà của bà Ksor H'Boar (buôn Phu Ma Miơng) còn thơm mùi vôi vữa. Gia đình bà H'Boar thuộc diện hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Con gái bà qua đời cách đây 2 năm vì bạo bệnh, con rể đi lấy vợ khác để lại đứa cháu gái 8 tuổi cho bà chăm sóc. Thương cháu nhỏ mồ côi phải sống trong căn nhà dột nát nhưng sức bà có hạn, cuộc sống chỉ dựa vào mấy sào rẫy nên không đủ kinh phí sửa chữa nhà. Được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, bà vay thêm Ngân hàng Chính sách Xã hội 40 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố. Bà H'Boar bộc bạch: “Nếu không có khoản hỗ trợ của Nhà nước, chắc 2 bà cháu sẽ chẳng bao giờ được sống trong ngôi nhà khang trang. Chính quyền địa phương hứa sẽ hỗ trợ gia đình 1 con bò sinh sản và 1 bồn chứa nước sạch trong thời gian tới. Có nhà mới, có thêm vật nuôi, tôi sẽ cố gắng làm thêm để thoát nghèo bền vững”.
Buôn Phu Ma Miơng có 215 hộ. Theo kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, buôn còn 6 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo. Trên cơ sở rà soát các tiêu chí thiếu hụt, buôn tổ chức họp xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Đối với những hộ khó khăn về nhà ở, phương tiện sản xuất, có nhu cầu chuyển đổi nghề, buôn lập danh sách, kiến nghị cấp trên có chính sách hỗ trợ. Những hộ có sức lao động nhưng không có việc làm ổn định, buôn đăng ký cho tham gia các lớp học nghề, giới thiệu tham gia phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm công việc thích hợp. Hộ thiếu vốn sản xuất thì hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, cuối năm 2023, buôn có 4 hộ thoát nghèo và 3 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Chị Kpă Noan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phu Ma Miơng-chia sẻ: “Để công tác giảm nghèo đảm bảo thực chất, công khai, minh bạch, chúng tôi đã thành lập tổ rà soát hộ nghèo gồm 10 thành viên. Các chỉ tiêu cũng được thông báo cụ thể trên hệ thống loa truyền thanh. Bà con nắm được thông tin, dành thời gian ở nhà, phối hợp với tổ điều tra rà soát các tiêu chí. Ngay sau khi có kết quả rà soát, chúng tôi tổ chức họp thông báo công khai nên tạo được sự đồng thuận cao, không có ai khiếu nại. Hiện danh sách hộ nghèo, cận nghèo đã được niêm yết công khai ở nhà sinh hoạt cộng đồng để bà con nắm bắt”.
Theo ông Ksor Uyên-Phó Chủ tịch UBND xã: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023, Ia Rtô được phân bổ hơn 1,8 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ nhà ở cho 4 hộ trị giá 176 triệu đồng; chuyển đổi nghề cho 8 hộ trị giá 80 triệu đồng; hỗ trợ 8 hộ mua 8 bồn chứa nước loại 1.000 lít với tổng số tiền 24 triệu đồng; hỗ trợ sinh kế trên 764 triệu đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên 765 triệu đồng. Hiện nay, các chương trình đang được gấp rút triển khai nhằm hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong quá trình triển khai, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên đảm bảo các nguồn vốn được sử dụng đúng đối tượng, mục đích, phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hạn chế thấp nhất nguy cơ tái nghèo
Cũng như các địa phương khác, xã Ia Rtô vừa hoàn thành công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Để công tác này diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, UBND xã đã ban hành kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo; phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; đôn đốc các thôn, buôn tập trung triển khai rà soát; tổ chức tập huấn nghiệp vụ ghi phiếu, cấp phát tài liệu, mẫu phiếu đầy đủ cho các điều tra viên. Công tác tuyên truyền được địa phương triển khai bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức của người dân cùng tham gia. Theo kết quả, xã còn 12 hộ nghèo, chiếm 1,25% và 53 hộ cận nghèo, chiếm 5,53%; giảm 12 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo so với cuối năm 2022. Danh sách hộ nghèo, cận nghèo được thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh và dán công khai tại các nhà sinh hoạt cộng đồng của các thôn, buôn. Tới đây, xã ban hành quyết định và nhập dữ liệu danh sách hộ nghèo, cận nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng ngay từ đầu năm 2024.
Để giảm nghèo hiệu quả, người dân xã Ia Rtô đã chuyển đổi diện tích lúa thiếu nước tưới sang trồng mè cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C |
Ông Nay Ka-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phu Ma Nher 2-chia sẻ: Công tác rà soát hộ nghèo được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, công khai, minh bạch, không có tình trạng nể nang mà công nhận sai đối tượng để trục lợi. Những tiêu chí công nhận hộ nghèo, cận nghèo, quy trình rà soát, bình xét đều được tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân. Những trường hợp có ý kiến, kiến nghị, buôn đều tiến hành phúc tra, thông báo kết quả công khai; đồng thời, giải thích để người dân hiểu, đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch. Năm 2023, buôn giảm được 2 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo, không xảy ra tình trạng tái nghèo.
Để giảm nghèo đảm bảo thực chất, hiệu quả, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huỳnh Thanh Thọ: Song song với các nguồn lực hỗ trợ thì cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý chí tự vươn lên thoát nghèo của người dân thông qua phong trào tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tập hợp hội viên tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Thanh niên khởi nghiệp”… từ đó, tìm kiếm những mô hình hay, cách làm hiệu quả, điển hình tiên tiến để nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Xã phấn đấu 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, qua đó cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Phó Chủ tịch UBND xã Ksor Uyên nhấn mạnh: Trên cơ sở rà soát hộ nghèo, ngay từ đầu năm, xã phân công nhiệm vụ cho từng ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo. Trong quá trình thực hiện, bám sát cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm để “nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân thực hiện; chú trọng hỗ trợ tạo việc làm, cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế bền vững; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, việc làm; đẩy mạnh cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên thoát nghèo; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đặc biệt là các mô hình có sự tham gia của người nghèo, tạo môi trường cho hộ nghèo được học tập, chia sẻ kinh nghiệm, rút ra bài học cho chính bản thân mình.
“Năm 2023, xã có 11 hộ đăng ký thoát nghèo. Kết quả có 12 hộ thoát nghèo, 13 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, không có tình trạng tái nghèo. Kết quả này phản ánh đúng thực trạng đời sống người dân và cho thấy công tác giảm nghèo của địa phương đang đi đúng hướng, đảm bảo hiệu quả, bền vững. Đây là tiền đề, là cơ sở để xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội trong năm tiếp theo”-Phó Chủ tịch UBND xã thông tin thêm.