Điểm đến Gia Lai

Ia Sao giúp người dân thay đổi tư duy để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã lan tỏa sâu rộng. Người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên thoát nghèo.

Sức lan tỏa của cuộc vận động

Trong những năm qua, với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, tỉnh, thị xã trong triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, đời sống của đồng bào DTTS xã Ia Sao đã có những đổi thay đáng kể. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa được trao tặng, nhiều giống cây-con mới năng suất cao được hỗ trợ đưa vào sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm dần qua các năm.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung thì cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thống kê, đến cuối năm 2022, mặc dù có 21 hộ thoát nghèo và 8 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, song xã vẫn còn 56 hộ nghèo, chiếm 5,74% và 49 hộ cận nghèo, chiếm 5,2%.

Những con đường hoa giúp diện mạo buôn HLiếp thêm xanh-sạch-đẹp. Ảnh: V.C

Những con đường hoa giúp diện mạo buôn HLiếp thêm xanh-sạch-đẹp. Ảnh: V.C

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nay Chuyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, nhưng cốt lõi vẫn là trình độ dân trí thấp, thiếu kiến thức, nếp nghĩ lạc hậu, ngại tiếp cận cái mới, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tình trạng sinh nhiều con, lười lao động, sa đà vào rượu chè, ma chay kéo dài, lãng phí vẫn còn xảy ra. Một số hộ khi được vận động chuyển sang trồng giống cây mới cho năng suất cao đã từ chối vì theo tập quán sản xuất cũ, ngại tiếp cận với cái mới. Thậm chí, khi được hỗ trợ về giống, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nhưng vì thiếu ý thức vươn lên, không bỏ công chăm sóc nên không phát huy hiệu quả.

Xác định muốn giảm nghèo bền vững bắt buộc phải giúp người dân thay đổi tư duy, nhận thức, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đã đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” theo hướng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Các mô hình liên kết sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, xóa bỏ hủ tục không còn phù hợp được xây dựng theo hướng “cầm tay chỉ việc”. Dễ học hỏi, lại thấy được lợi ích cụ thể nên bà con dần dần chuyển biến từ nhận thức đến hành động.

Thay đổi lớn nhất là 70% hộ dân thực hiện di dời chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa nhà ở; trên 80% hộ xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Vệ sinh môi trường được đảm bảo, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên.

...Đúng 17 giờ, khi tiếng loa truyền thanh của xã vang lên cũng là lúc bà Nay H’Prao (buôn Khăn) lùa bò về chuồng. Thói quen này được hình thành đã 5 năm nay khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Cán bộ xã, buôn tuyên truyền, vận động nhiều lắm mọi người mới thay đổi. Bản thân tôi cũng thấy việc xây dựng chuồng trại cho gia súc, gia cầm là cần thiết, không chỉ phòng bệnh tốt hơn cho đàn vật nuôi mà còn bảo vệ sức khỏe con người, chủ động chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc được đầy đủ. Đàn vật nuôi nhờ đó mà sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Năm 2021, tôi vay 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã vừa phát triển sản xuất vừa xây dựng thêm nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, lắp đặt hệ thống nước sạch. Vệ sinh môi trường xung quanh nhà được đảm bảo, các cháu nhỏ thoải mái chơi đùa, ai cũng phấn khởi”-bà H’Prao tâm sự.

Kể về tình hình sản xuất của gia đình, bà H’Prao chia sẻ thêm: Trước đây, bà con trong buôn chủ yếu trồng mì. Gia đình bà cũng có 3 ha rẫy nhưng hom giống lâu năm bị thoái hóa, đất dần bạc màu, cây mì nhiễm bệnh khảm lá, năng suất giảm đáng kể. Được chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn, cử đi tham gia các lớp tập huấn, bà đã chuyển sang trồng cây thuốc lá. Thay vì chỉ sử dụng phân hóa học, bà bón xen kẽ phân bò ủ mục cho cây, giúp tiết kiệm được một khoản trong chi phí đầu tư và năng suất cây trồng cũng được nâng lên, mang lại thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Bà Ksor HYiam-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khăn-cho biết: Thực hiện cuộc vận động, thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, qua hệ thống loa truyền thanh, hệ thống chính trị thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, xây dựng nhà tiêu nhà tắm hợp vệ sinh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…

Nhờ “mắt thấy, tai nghe”, nhiều hộ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động tham gia các lớp tập huấn để học hỏi kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 2022, buôn chỉ còn 11 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo, giảm 4 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo so với đầu năm. Năm 2023, buôn tiếp tục có thêm 4 hộ thoát nghèo và 2 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Thay đổi tư duy để giảm nghèo bền vững

Dạo trên tuyến đường các thôn, buôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy không gian rực rỡ sắc màu bởi những khóm hoa cúc, hoa mười giờ, chiều tím. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nay H’Moan cho biết, đây là mô hình “Con đường hoa” được chi hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên các thôn, buôn triển khai nhằm góp phần cải tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm, thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, hầu hết các gia đình đều làm hàng rào xanh, chủ động cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn rau vừa để phục vụ bữa ăn trong gia đình vừa kiếm thêm thu nhập. Định kỳ hàng tháng, các hộ ra quân dọn dẹp đường làng giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Không chỉ tích cực tham gia công tác hội, đoàn thể, chị em còn ra sức giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua mô hình góp vốn xoay vòng hoặc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Hiện Hội Liên hiệp phụ nữ xã đang quản lý 7 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 15 tỷ đồng.

Bà Nay H’Prao (buôn Khăn) sử dụng nguồn vốn vay để lắp đặt hệ thống nước sạch và xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Ảnh: V.C

Bà Nay H’Prao (buôn Khăn) sử dụng nguồn vốn vay để lắp đặt hệ thống nước sạch và xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Ảnh: V.C

Tương tự, thực hiện cuộc vận động, Hội Nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên thành lập các tổ hội nghề nghiệp nhằm phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có 7 tổ hội nghề nghiệp: chăn nuôi heo lấy thịt, chăn nuôi bò, chăn nuôi dê sinh sản, trồng mì, trồng điều, trồng lúa, trồng đậu các loại. Không chỉ được giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất, các thành viên còn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Từ các mô hình đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là người DTTS trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, là tấm gương cho các hộ khác học tập, làm theo, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong cộng đồng. Năm 2022, xã có 270 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội duy trì 3 tổ vay vốn và tiết kiệm cho 130 hội viên vay với tổng dư nợ 5,2 tỷ đồng; hỗ trợ 250 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã cho 5 thành viên tổ hội chăn nuôi heo lấy thịt và chăn nuôi bò vay trong thời gian 2 năm với lãi suất 0,7%/tháng tạo điều kiện giúp các hội viên thiếu nguồn vốn hoạt động.

Là 1 trong 10 thành viên tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo lấy thịt năm 2022, bà Ksor H'Riêu (buôn H'Liếp) rất phấn khởi khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã. Bà quyết định khôi phục lại nghề chăn nuôi heo sau khi tạm dừng 3 năm vì dịch tả heo châu Phi. Với số vốn vay được, bà đầu tư sửa chữa lại hệ thống chuồng trại và mua 2 con heo nái về làm giống. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, cung cấp đủ thức ăn nên vật nuôi phát triển khỏe mạnh. 2 con heo nái đã đẻ lứa đầu tiên được 16 con heo con.

“Ngoài tận dụng nguồn thức ăn là rau xanh có sẵn, tôi nghiền thêm cám gạo, bắp, mì, cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho heo mau lớn. Hy vọng đàn vật nuôi chóng lớn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”-bà H'Riêu kỳ vọng.

Đánh giá về hiệu quả cuộc vận động, bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho hay: Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã tạo sự thay đổi căn cơ trong đời sống vật chất tinh thần của đồng bào DTTS. Người dân không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự lực vươn lên bằng chính nội lực của mình. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chủ động tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, các lớp học nghề nông thôn để có kiến thức làm kinh tế, tăng thu nhập. Nhờ vậy, trong 2 năm (2022-2023), xã có 42 hộ thoát nghèo và 17 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện toàn xã còn 35 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo.

“Để nâng cao hiệu quả cuộc vận động, xã đã thành lập Đội tuyên truyền miệng gồm 18 thành viên và Tổ dân vận gồm 4 thành viên để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con tập trung phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xã, hệ thống chính trị thôn, làng triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS cũng như nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi cuộc sống người dân theo chiều hướng ngày càng tích cực, tiến bộ”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm