Xã hội

Ia Sao hướng đến nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau khi được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào đầu năm 2021, xã Ia Sao (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nỗ lực giữ vững các tiêu chí đạt được và tập trung huy động nguồn lực để xây dựng NTM nâng cao.
Nét nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở Ia Sao thời gian qua là đã lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngân sách địa phương và huy động nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Hiện nay, 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa, bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa hơn 82%, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện hai mùa mưa nắng; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt gần 77%, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận lợi”.
Cũng theo ông Dũng, xã chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đồng thời tập trung chỉ đạo người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển những cây trồng chủ lực. Bên cạnh đó, xã phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện để các hộ dân tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt gần 2.000 ha, trong đó có 1.787 ha cây dài ngày; tổng đàn gia súc và gia cầm ước khoảng hơn 16.000 con; diện tích  nuôi trồng thủy sản cũng phát triển nhanh.
Nông dân xã Ia Sao áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Nhật
Nông dân xã Ia Sao áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: Thanh Nhật
Toàn xã có 4 thôn người Kinh và 8 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị của xã đã vận động, hướng dẫn người dân xây dựng làng NTM theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Với sự nỗ lực ấy, làng Dút là đơn vị đầu tiên của xã được UBND huyện công nhận làng NTM vào năm 2020. Đến năm 2021, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục thống nhất chọn làng Nang để xây dựng NTM. Đảng ủy và UBND xã phân công cán bộ, công chức trực tiếp theo dõi, tham mưu trong công tác chỉ đạo và thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn bà con đồng thuận thực hiện.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, người dân làng Nang tích cực đóng góp kinh phí để xây dựng công trình công cộng. Năm qua, làng Nang tiến hành xây dựng mới 3 km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn vốn hơn 2,4 tỷ đồng, trong đó, người dân góp 400 triệu đồng và công lao động. Ông Ksor Phưih cho hay: “Bà con tự đứng ra vận động kinh phí, tự mua vật tư và chọn đơn vị thi công. Đồng thời, bà con cử người giám sát chặt chẽ việc thi công cũng như công khai minh bạch thu chi tài chính nên chất lượng công trình đảm bảo”.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, phần lớn các hộ gia đình ở làng Nang đã làm nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm môi trường, xây dựng và cải tạo nhà ở khang trang. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Thanh niên trong làng duy trì thường xuyên hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao. Trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Trưởng thôn Ksor Leo phấn khởi cho hay: “Trong quý I-2022, làng Nang đã được UBND huyện công nhận làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số”.
Xã Ia Sao phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Ảnh: Thanh Nhật
Xã Ia Sao phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2024. Ảnh: Thanh Nhật
Trên bình diện chung, phong trào xây dựng NTM đã góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của xã Ia Sao, đời sống của người dân từng bước nâng lên. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,86%, hộ cận nghèo còn 12,89%. Theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,96%, hộ cận nghèo còn 9,49%.
Trao đổi với P.V, bà Bùi Thu Hằng-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Sao-chia sẻ: “Để đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2024, hệ thống chính trị của xã tập trung hướng dẫn người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Xã cũng tranh thủ các nguồn lực đầu tư và các chương trình, dự án của huyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xã ổn định diện tích đi đôi với tăng năng suất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tốt tiềm năng đất đai. Bên cạnh đó, xã chú trọng các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhanh chóng kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện xã tập trung các nguồn lực giúp làng Tốt hoàn thành các tiêu chí làng NTM vào cuối năm nay, đồng thời phấn đấu đến năm 2025, toàn xã có 6 làng đạt NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm