Kinh tế

Nông nghiệp

Ia Sao lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Vượt khó làm giàu

Đến buôn Hoang hỏi thăm ông Nay Blót không ai là không biết. Bởi ông là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng ông Blót vẫn hăng say lao động, tích cực tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhìn vào cơ ngơi hiện nay, ít ai biết được trước đây, gia đình ông phải chạy ăn từng bữa. Nguyên nhân là do điều kiện canh tác khó khăn, phần lớn diện tích đất rẫy không chủ động được nước tưới nên năng suất cây trồng đạt thấp, thu nhập chẳng đáng là bao. Với suy nghĩ “muốn làm giàu thì phải dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi”, sau khi đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, năm 2015, ông quyết định cải tạo 4 ha đất rẫy để phát triển mô hình kinh tế VAC.

Nhờ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Nay Bớt (buôn H’Liếp) trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã. Ảnh: V.C

Nghĩ là làm, ông thuê người đào 150 m2 đất làm ao thả cá để có thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn, vừa dự trữ nguồn nước tưới cho cây trồng. Đàn bò trước đây nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn, ông cũng chuyển luôn vào trong rẫy để tiện chăn thả. Lượng phân bò tích trữ được, ông ủ mục bón cho cây trồng.

Nhờ chủ động nguồn nước tưới và phân bón hữu cơ, năm 2023, ông đăng ký tham gia mô hình trồng giống mì mới HN1 do Hội Nông dân thị xã phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến (TP. Hồ Chí Minh) trên diện tích 1 ha.

Giống mì mới có khả năng kháng bệnh khảm lá 100%, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 40 tấn/ha. Vụ mì năm 2024, gia đình ông tiếp tục duy trì để lấy giống nhân rộng toàn bộ diện tích và chia sẻ cùng bà con nông dân nhằm xóa bỏ hoàn toàn giống mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn.

Ông Blót chia sẻ: “Mô hình VAC không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn tăng năng suất cây trồng. Hiện với 4 ha mì, 2 ha luân canh mè, bắp, đậu xanh, 6 sào lúa nước, 12 con bò và 1 ao thả cá, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.

Năm 2023, ông được Chủ tịch UBND thị xã tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2018-2023. Gia đình ông cũng là gia đình hiếu học tiêu biểu tại địa phương với 3/5 người con là cán bộ, công chức nhà nước.

Từ kinh nghiệm của bản thân, ông tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cũng như tạo việc làm theo thời vụ cho người dân địa phương. Đối với những hộ khó khăn, ông cho mượn giống, vốn không tính lãi. Ông cũng vận động bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Trong khi đó, ông Nay Bớt-Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn H’Liếp trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã nhờ mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện ông sở hữu 1,5 ha mì, 1 ha điều, 5 sào lúa nước, 4 con bò và 1 cửa hàng tạp hóa. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng.

Ông Bớt chia sẻ: Trải qua thời gian, các giống cây trồng cũ dần thoái hóa. Muốn nâng cao năng suất cây trồng, bà con phải tìm tòi, cập nhật thông tin, đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Với cây mì, do nguồn cung các giống mì sạch bệnh còn khan hiếm nên gia đình ông đang canh tác giống KM94. Đây là giống có khả năng kháng bệnh khảm lá tương đối tốt.

Với cây lúa, ông gieo sạ các giống TH6, Đài Thơm 8, đồng thời áp dụng quy trình ICM, IPM vào sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất, chất lượng hạt gạo.

Với những kinh nghiệm trong trồng trọt, ông Bớt được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp trồng lúa với 13 thành viên tham gia. “Bà con mình giờ đây đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm, liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển. Buôn có 179 hộ nhưng chỉ còn 7 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Năm 2024, buôn phấn đấu về đích nông thôn mới”-ông Bớt cho hay.

Đồng hành cùng nông dân

Nhờ đổi mới phương thức hoạt động, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Phong trào cũng đã tạo động lực cho hàng trăm hộ nông dân phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Đến nay, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi còn tích cực hỗ trợ cây-con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nghèo phát triển sản xuất, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ Hội Nông dân xã Ia Sao tuyên truyền, vận động hội viên tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: V.C

Bà Ksor H’Sách-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội tích cực tuyên truyền, tổ chức cho hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo tiêu chí; phối hợp chuyển giao kỹ thuật; chỉ đạo xây dựng mô hình điểm.

Đồng thời, tổ chức sơ kết đánh giá, nhân rộng những mô hình hiệu quả; tổ chức cho hội viên tham quan học tập các mô hình để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Năm 2023, toàn xã có 270 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp thị xã 10 hộ, cấp xã 260 hộ. Điểm chung của họ là tinh thần sáng tạo, dám đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế cũng như chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường.

Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay, Hội đang quản lý 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, tín chấp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã cho 133 hộ vay với tổng dư nợ 6,2 tỷ đồng.

Bình quân mỗi năm, Hội phấn đấu thành lập 1 chi-tổ hội nghề nghiệp để tạo điều kiện cho các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất. Hiện xã có 7 tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò, heo, trồng lúa, mì, đậu, điều, thuốc lá. Các tổ hội nghề nghiệp được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn cũng như hỗ trợ vốn vay để phát triển sản xuất.

Là 1 trong 7 thành viên được vay vốn sau khi tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò, chị Ksor H’Yốp (buôn H’Liếp) vui mừng cho biết: “Năm 2022, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã, tôi đầu tư mua 2 con bò sinh sản. Sau 2 năm, đàn bò đã tăng lên 5 con. Tôi thường xuyên dọn vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ để phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Gia đình trồng thêm cỏ và mua rơm tích trữ làm thức ăn giúp bò mau lớn”.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Tánh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao-cho biết: Nhờ đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn xã đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cuối năm 2023, qua kết quả rà soát, xã chỉ còn 35 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo; giảm 21 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo so với đầu năm.

Để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân xã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho hội viên nông dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án, mô hình liên kết sản xuất.

Đồng thời, Hội Nông dân xã cũng tích cực vận động hội viên nông dân tham gia vào các mô hình câu lạc bộ, chi-tổ hội nghề nghiệp để tạo tiền đề phát triển mô hình kinh tế tập thể; tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp; biểu dương, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Có thể bạn quan tâm