(GLO)- Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền và vận động, mới đây, 29 hộ đồng bào Jrai ở thôn Quý Tân (xã Ia Trok, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã xóa bỏ hủ tục chôn chung đã tồn tại bao đời nay tại khu nhà mồ nằm giữa khu dân cư này.
Khu nhà mồ của đồng bào Jrai thôn Quý Tân đã tồn tại từ năm 1973 đến nay, nằm ngay phía sau khuôn viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Với quan niệm “sống ở chung một nhà, chết ở chung một mộ” nên tục chôn chung vẫn tồn tại ở đây. Hủ tục này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và nguồn nước khu vực xung quanh. Trong đó, thầy và trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Cô Siu H’Ply-giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong-cho hay: Khu nhà mồ nằm sau khuôn viên trường, chỉ ngăn cách bằng hàng rào dây thép gai nên mọi hoạt động tại đây đều ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dạy và học. Mỗi khi người dân tổ chức ăn nhà mả, học sinh phải nghỉ học một vài ngày vì tiếng ồn. Sáng hôm có người say xỉn vẫn nằm trước cửa lớp. Còn khi chôn người mới chết, học sinh phải nghỉ học 3 ngày bởi mùi hôi từ khu nhà mồ gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Khu nhà mồ tại thôn Quý Tân (xã Ia Trok, huyện Ia Pa), nơi vẫn còn tục lệ chôn chung. Ảnh: Vũ Chi |
Công tác tuyên truyền để người dân từ bỏ hủ tục chôn chung cũng như bỏ khu nhà mồ này được các ban ngành, đoàn thể của huyện, xã triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, bởi khu mộ có trước, trường học có sau nên kế hoạch đã vấp phải phản ứng từ phía người dân.
Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã đã sử dụng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”; phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức họp dân cũng như kiên trì đến từng nhà gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, đồng thời phân tích làm rõ để người dân hiểu được chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương. Bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đầu năm 2021, 29 hộ dân tại đây đã đồng ý làm lễ bỏ mả toàn bộ khu nhà mồ này.
Để tạo động lực cũng như niềm tin cho người dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng chính quyền địa phương đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức quyên góp hơn 35 triệu đồng mua sắm lễ vật hỗ trợ bà con làm lễ cúng bỏ mả theo phong tục địa phương. Theo đó, chiều ngày hôm trước, bà con tới dọn vệ sinh khu mộ và sáng hôm sau mang đồ cúng đến chia tay người đã khuất. Lãnh đạo địa phương có mặt đông đủ cùng tham dự với dân làng. Xã cũng bố trí quỹ đất riêng nằm trong quy hoạch nghĩa trang của thôn để người dân chôn cất những người mất sau này.
Tại lễ bỏ mả, bà con cam kết xóa bỏ hủ tục chôn chung và không chôn người chết tại khu nhà mồ này nữa. Tại đây sẽ được xây tường kín bao quanh, người dân không đến đây thắp nhang hay cúng bái. Nếu gia đình thương nhớ người đã khuất thì lập bàn thờ để thờ cúng ở nhà.
Ngay sau lễ bỏ mả, người mất đã được chôn cất tại khu nghĩa trang của thôn Quý Tân (xã Ia Trok, huyện Ia Pa). Ảnh: Vũ Chi |
Ông Rô Đăk-Trưởng thôn Quý Tân-chia sẻ: Sau khi lễ bỏ mả kết thúc 2 ngày, trong thôn có người mất, chính quyền xã cùng đại diện thôn đến chia buồn, động viên, bố trí quỹ đất ngoài nghĩa trang để người nhà mai táng, tạo sự an tâm tin tưởng cho người dân.
Ông Nay Hoan (thôn Quý Tân) bộc bạch: “Nhờ chính quyền và các ban ngành tuyên truyền, mình hiểu được tục chôn chung và việc duy trì khu nhà mồ trong khu dân cư là lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mọi người”.
Là người luôn theo sát, đồng hành cùng chính quyền xã Ia Trok trong việc vận động người dân thôn Quý Tân làm lễ bỏ mả, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ia Pa-cho hay: Theo tục chôn chung, một ngôi mộ được dùng để chôn cho nhiều người. Nếu là quan hệ cha-con đẻ thì không có khoảng cách, nếu là người thân trong gia đình thì thi thể người chết sẽ được ngăn cách bởi một tấm chiếu hay tấm phên đan bằng tre. Việc tồn tại lâu đời khu nhà mồ ngay trong khu dân cư, đặc biệt tục chôn chung đã gây ra rất nhiều hệ lụy.
“Tuy nhiên, đây là hủ tục lâu đời nên không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Thay vì dùng biện pháp cưỡng chế, phải làm công tác tư tưởng để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, mới nhận được sự đồng thuận, nhất trí của mọi người”-ông Hương nói.
Ông Ksor Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Trok-khẳng định: “Như vậy, xã Ia Trok đã xóa bỏ hoàn toàn tục chôn chung. Tình trạng ma chay, cưới hỏi linh đình, tốn kém cũng từng bước được đẩy lùi. Với sự đồng lòng, nhất trí của người dân, sự quyết tâm của chính quyền địa phương, xã Ia Trok từng bước phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Chính quyền xã cũng đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc vận động người dân xóa bỏ hủ tục, nỗ lực xây dựng đời sống mới”.
VŨ CHI