(GLO)- Nhờ triển khai đồng bộ Chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế-xã hội xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có bước phát triển vượt bậc, đời sống người dân không ngừng được cải thiện.
Những con số biết nói
Vào thời điểm thành lập (năm 1991), xã Ia Yeng là 1 trong 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện. Trước đây, xã Ia Yeng nằm tách biệt với các xã khác bởi dòng sông Ayun, đường sá đi lại khó khăn, cách trở. Toàn xã có 1.200 hộ thì 94% là đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn người dân làm nông nghiệp nhưng do tập quán canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, đời sống khó khăn. Vì vậy, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tiêu chí môi trường và hộ nghèo.
Diện mạo nông thôn xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyên Hương |
Chủ tịch UBND xã Dương Văn Tuấn cho hay: Lúc đó, 100% hộ dân không có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn. Xác định “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, Đảng ủy xã đã quán triệt cán bộ, đảng viên phải làm gương để bà con học tập làm theo; phân công, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cán bộ tuyên truyền, vận động người dân tại địa bàn mình phụ trách. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã họp đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính quyền địa phương cùng hệ thống chính trị thôn, làng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền để bà con thấy được sự cần thiết của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, cuối năm 2021, 40% hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; 63% hộ di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn.
Bà Nay H'Mỗ (buôn Plei Kual) phấn khởi cho biết: Trước đây, gia đình bà không có nhà vệ sinh. Khi được cán bộ xã tuyên truyền, bà bàn bạc cùng các con và quyết định xây dựng 1 nhà tắm và 1 nhà tiêu với kinh phí 25 triệu đồng. “Có nhà vệ sinh, nhà tắm rồi ai cũng mừng vì không chỉ tiện lợi mà còn sạch sẽ, đặc biệt là mấy đứa nhỏ rất thích vì không còn xấu hổ trước bạn bè. Nhiều nhà thấy vậy cũng làm theo. Thôn buôn nhờ đó sạch sẽ hẳn lên”-bà H'Mỗ bộc bạch.
Cùng với tiêu chí môi trường, tiêu chí nhà ở cũng được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Năm 2021, từ các nguồn quỹ và Mạnh Thường Quân hỗ trợ, xã đã xây mới, sửa chữa 42 nhà tạm, dột nát. Năm 2021, xã đã giảm được 31 hộ nghèo.
Chồng bỏ nhà ra đi, chị Siu H'Ver (buôn Plei Kram) một mình nuôi 3 con nhỏ. Gia tài chỉ có 1 sào lúa nước, chị phải tranh thủ đi làm thuê nhưng cũng chỉ đủ để 4 mẹ con đắp đổi qua ngày. Căn nhà dựng tạm bằng mấy tấm tôn cũ nắng rọi, mưa dột nhưng chị không có tiền sửa chữa. Khi được cán bộ xã thông báo hỗ trợ xây dựng căn nhà mới trị giá 50 triệu đồng, chị mừng rơi nước mắt. Bế đứa con chưa đầy 2 tuổi trên tay, chị xúc động: “Trong mơ mình cũng không dám mong có được căn nhà kiên cố như này. Thực sự cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm. Con lớn thêm một chút nữa mình sẽ cố gắng làm lụng để vươn lên thoát nghèo, không phụ sự giúp đỡ của mọi người”.
Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024
Hiện nay, xã Ia Yeng còn 5 tiêu chí chưa đạt chuẩn nông thôn mới gồm: cơ sở vật chất trường học, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và tiêu chí hệ thống chính trị.
Theo Chủ tịch UBND xã, mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, đây cũng là tiêu chí khó đạt nhất. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,81%. Tuy nhiên, theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo tăng lên 26,23%. Theo kế hoạch, xã sẽ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Để không lỡ hẹn, Ban Chỉ đạo xã đã giao các cán bộ phụ trách phải vận động xây dựng mỗi thôn buôn 1 mô hình trồng trọt, chăn nuôi; mỗi đảng viên giúp đỡ 1 hộ yếu thế để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phối hợp với các công ty tuyển dụng thanh niên đủ độ tuổi lao động đi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương; tổ chức bình xét cho hộ nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Cây cầu mới với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng nối liền xã Ia Yeng và Ia Sol đang được thị công mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ảnh: Nguyên Hương |
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực nên chính quyền địa phương khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất, mở rộng diện tích cánh đồng lúa lớn một giống để nâng cao năng suất, tăng thu nhập. Năm 2021, xã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời canh tác 100 ha lúa. Bà con được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Để người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, các mô hình kinh tế tập thể lần lượt ra đời. Ông Kpă Rin-Chủ tịch Hội Nông dân xã-chia sẻ: Ngoài Chi hội men rượu cần ở buôn Plei Kte lớn B, xã đang xúc tiến thành lập Chi hội chăn nuôi bò sinh sản tại buôn Plei Kte nhỏ, 2 Tổ hội chăn nuôi bò và Tổ hội chăn nuôi dê ở buôn Plei Kual. Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp sẽ giúp hội viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi và liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.
Cuối năm 2021, cây cầu mới rộng 8 m, dài 177,3 m bắc qua sông Ayun nối liền xã Ia Yeng với xã Ia Sol đã được thi công với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng. Dự kiến cây cầu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Đây là cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương.
Hiện Ia Yeng có 2/7 thôn buôn đạt chuẩn nông thôn mới là Plei Kte lớn A và Plei Kte lớn B. Dự kiến đến cuối năm 2022, buôn Plei Kual cũng sẽ về đích nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Ia Yeng khẳng định: “Thành công lớn nhất của xã trong giai đoạn đầu xây dựng nông thôn mới là giúp người dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự nguyện chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí. Hy vọng cùng với các nguồn lực đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đồng lòng của người dân, xã Ia Yeng sẽ về đích nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra”.
NGUYÊN HƯƠNG