Các thợ lặn ở Indonesia phát hiện "đảo giấu vàng" Srivijaya trong truyền thuyết sau khi trục vớt hàng loạt cổ vật ở sông Musi gần Palembang.
Cổ vật được trục vớt từ sông Musi, Indonesia. Ảnh chụp màn hình |
Trục vớt cổ vật
Theo Live Science, các thợ lặn ở Indonesia vừa trục vớt được hàng trăm cổ vật bao gồm tượng, chuông chùa, gương và hàng loạt cổ vật ở dưới lớp bùn lầy sông Musi gần Palembang, Indonesia. Bên cạnh đó, họ cũng tìm thấy chuôi kiếm bằng vàng, nhẫn vàng, ruby, những chiếc bình chạm khắc, bình rượu và sáo có hình con công.
Những báu vật này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn dẫn tới một bí ẩn mà nhiều nhà khảo cổ ở Indonesia vẫn luôn tìm kiếm: Vị trí của “Đảo giấu vàng” Srivijaya.
Srivijaya từng là một hải cảng giàu có và hùng mạnh dọc theo tuyến đường thương mại đại dương giữa Đông và Tây. Ban đầu nó được một vị vua cai trị và giành quyền kiểm soát hoàn toàn eo biển Malacca, nhưng sau chiến tranh với Ấn Độ, Srivijaya đã dần đánh mất quyền lực của mình rồi trở thành nơi trú ẩn của hải tặc Trung Quốc vào khoảng sau năm 1390.
Hiện tại, giới khoa học Indonesia cho biết hầu hết thông tin về thành phố đều đến từ ghi chép của những người nước ngoài đã đến Srivijaya. Những thương nhân và du khách đã mô tả một thế giới giống như sự kết hợp của "Chúa tể của những chiếc nhẫn" và "Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng", Sean Kingsley, một nhà khảo cổ học biển và là biên tập viên của tạp chí Wreckwatch chia sẻ.
Theo những ghi chép này, Srivijaya có những ngọn núi phun ra khói và lửa, rắn ăn thịt người, những con vẹt có thể bắt chước tiếng Hindi, Hy Lạp, Arab, và những thủy thủ vũ trang sẵn sàng tấn công bất kỳ tàu nào đi qua Srivijaya. Tất cả những điều được mô tả khiến cho hình ảnh hòn đảo đã mất càng chìm sâu trong bí ẩn.
Khung cảnh sông Musi lấp lánh ánh vàng ở Nam Sumatra, Indonesia, nhìn từ trên không. Ảnh: AFP |
Theo nhà khảo cổ học người Pháp Pierre-Yves Manguin, vào thế kỷ thứ 10, người cai trị Srivijaya đã trả tiền để xây dựng các ngôi đền Phật giáo ở Trung Quốc và Ấn Độ. Thành phố này cũng từng tặng ngà voi, tượng pha lê, nước hoa, ngọc trai, san hô và sừng tê giác, cho Trung Quốc trong quá khứ.
Ông Kingsley cho biết Srivijaya có nguồn tài nguyên thiên nhiên địa phương vô cùng phong phú, bao gồm các loài thực vật đáng mơ ước như gỗ đàn hương và long não. Hơn hết, ở nơi đây còn có vàng tự nhiên bị xói mòn trong lòng sông Musi.
Vậy tại sao một nền văn minh hùng mạnh như vậy lại có thể biến mất không một dấu vết? Theo các nhà khoa học, một khả năng có thể xảy ra là Srivijaya được tạo thành phần lớn từ các công trình kiến trúc bằng gỗ được xây dựng ngay trên sông. Phong cách kiến trúc nổi tương tự vẫn còn được nhìn thấy trên một số con sông ở Đông Nam Á ngày nay.
Tại đây, những ngôi nhà được xây dựng trên bè và gắn kết với nhau thành một kiểu thành phố nổi. Kingsley nói rằng hầu hết các công trình kiến trúc của Srijivaya sẽ mục nát trong vòng vài thế hệ, những thứ còn lại chỉ là cột trụ và những gốc cây.
Chảy máu cổ vật
Những cổ vật trên sông Musi bắt đầu được tìm thấy từ năm 2011, bao gồm tượng Phật bằng đồng, hạt thủy tinh, tem dùng để khắc chữ trên đất sét, và quả cân của thương gia, John Miksic, giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore viết trong báo cáo của mình.
Tuy vậy, một số lượng lớn các hiện vật có thể có từ thời hoàng kim của Srivijaya đã xuất hiện trên thị trường cổ vật ở Jakarta từ năm 2011 đến 2015. Những cổ vật có giá trị thương mại thấp hơn được bán ở địa phương xung quanh Palembang.
Kingsley nói, có những rào cản lớn đối với việc khai quật sông Musi một cách có hệ thống. Indonesia đã hứng chịu chỉ trích quốc tế vào đầu những năm 2000 sau khi phát hiện và bán đấu giá hiện vật của hai vụ đắm tàu lớn ở thế kỷ thứ 9 và thứ 10.
Các nhà khảo cổ báo động kêu gọi giữ lại các hiện vật thay vì đem đi bán đấu giá. Để đối phó với những phản ứng dữ dội, chính phủ đã giữ khoảng 10% số hiện vật và ban hành lệnh cấm khảo cổ học dưới nước vào năm 2010.
Đây có lẽ là lý do chính khiến cho công cuộc nghiên cứu về Srivijaya càng ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi các nhà khoa học không được phép khai thác và tìm kiếm cổ vật dưới lòng sông Musi, ngư dân và những người tìm kiếm kho báu vẫn tiếp tục săn lùng các báu vật.
Tuy nhiên, với lệnh cấm được ban hành, họ không báo cáo lên chính phủ mà trực tiếp đưa những báu vật này vào thị trường chợ đen, khiến tình trạng chảy máu cổ vật ở Indonesia ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Một trong những di tích khảo cổ của Indonesia. Ảnh: AFP. |
“Ngư dân không ngừng đánh bắt và tìm kiếm. Bây giờ, họ thậm chí còn khó báo cáo các phát hiện cho chính quyền khiến cho ngành khảo cổ học dưới nước đi tàn lụi và thị trường chợ đen phát triển mạnh", Kingsley chia sẻ.
Ông cũng cho biết, có thể không quá muộn để chính phủ hoặc một nhà sưu tập giàu có bước vào và mua hiện vật để trưng bày trong bảo tàng, bảo tồn những tàn tích cuối cùng của thế giới giàu có và xa hoa đã biến mất này cho mọi người.
Kingsley nói: “Đây là nền văn minh tuyệt vời bị mất cuối cùng mà gần như không ai biết đến, chúng ta có nghĩa vụ phải cứu nó khỏi sự lãng quên".
https://laodong.vn/the-gioi/indonesia-tim-thay-dao-giau-vang-trong-truyen-thuyet-969752.ldo
Theo ANH VŨ (LĐO)