Vội vã mua bảo hiểm xe máy, nhiều người dân đang gặp nguy cơ bị từ chối thẳng thừng việc bồi thường nếu xảy ra sự cố, ngay cả khi mua bảo hiểm chính hãng.
Bảo hiểm xe máy bày bán trên đường 3-2 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại TP.HCM, hiện "phong trào" mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe cơ giới vẫn "nóng". Tiệm tạp hóa, tiệm photocopy, quán bún phở... cũng trưng biển "bán bảo hiểm xe máy". Tuy nhiên, người mua bảo hiểm có thể bị từ chối bồi thường vì sơ suất nhỏ.
Không được bồi thường vì thiếu thông tin
Tại một điểm bán bảo hiểm xe máy trên xa lộ Hà Nội (khu vực gần cầu Sài Gòn), một người bán cho hay trước đó bà chỉ chuyên bán bảo hiểm xe cơ giới của Tổng công ty cổ phần (CTCP) bảo hiểm Bưu điện - PTI, nhưng dạo gần đây không đủ để bán nên phải nhập thêm của Tổng CTCP bảo hiểm Xuân Thành.
Đáng chú ý, người phụ nữ cho biết: "Có người mua cho 5-6 xe, về nhà người ta ghi, cô chỉ ghi ngày tháng".
Theo ghi nhận, đa số khách hàng mua bảo hiểm cho xe đều không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe (cà vẹt xe) khi mua. Họ trả tiền rồi mang tờ chứng nhận trắng về để tự điền thông tin tên chủ xe, số biển kiểm soát...
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Bình (phó giám đốc Công ty bảo hiểm Xuân Thành - Đồng Tháp) khẳng định: "Đưa thẻ cho khách hàng tự ghi thông tin là sai hoàn toàn. Công ty bảo hiểm sẽ không có thông tin để lưu hồ sơ, do đó xem như ấn chỉ đã mất, không thể giải quyết bồi thường".
Ông Bình giải thích: người bán phải ghi rõ tên chủ xe, số biển kiểm soát, thời hạn bảo hiểm và các nội dung khác có trong giấy chứng nhận bảo hiểm theo đúng quy định. Đồng thời phải gửi thông tin này về công ty để lưu trữ dữ liệu. Khi khách hàng báo xảy ra tai nạn, công ty sẽ xác minh.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, phó giám đốc ban kế hoạch marketing PTI, cũng khẳng định việc khách hàng tự điền thông tin, đại lý bảo hiểm không gửi liên lưu về công ty sẽ dẫn đến rủi ro, doanh nghiệp không có căn cứ để bồi thường.
Tuy nhiên, đại diện Bảo hiểm PVI lại khẳng định nếu xảy ra tai nạn, khách hàng liên lạc với công ty bảo hiểm và xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm. Nếu đó là ấn chỉ do công ty bảo hiểm phát hành, dù chưa có hồ sơ lưu tại công ty, công ty bảo hiểm vẫn phải chi trả bồi thường theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Còn việc người bán không gửi thông tin của khách hàng đến công ty bảo hiểm, dẫn đến hệ thống lưu trữ dữ liệu không có thông tin thì đó là công việc nội bộ công ty bảo hiểm xử lý.
Bảo hiểm giảm giá có đáng tin?
Hiện để hút khách hàng, nhiều điểm bán bảo hiểm cho xe máy còn sẵn sàng giảm giá. Cụ thể, thay vì lấy 86.000 đồng (bao gồm 66.000 đồng cho phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của xe cơ giới đền bù cho người thứ ba và 20.000 đồng của phần bảo hiểm tự nguyện đối với trường hợp tai nạn người ngồi trên xe) thì một số người bán chỉ lấy giá tổng cộng 75.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng việc nhiều nơi giảm giá là không đúng quy định. Vì bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới có mức phí theo Nhà nước quy định, các doanh nghiệp bảo hiểm không được tự điều chỉnh. Tuy nhiên, có thực trạng các đại lý tự bớt phần hoa hồng của mình mà giảm giá cho khách hàng để bán được nhiều hàng. Việc này doanh nghiệp khó kiểm soát.
Hiện nay, từ việc người bán cung cấp mập mờ thông tin, dẫn đến tồn tại trường hợp khách hàng chỉ mua liên bảo hiểm tự nguyện với giá 20.000 đồng mà không mua liên bảo hiểm bắt buộc giá 66.000 đồng, dễ bị xử phạt khi công an kiểm tra vì không đáp ứng giấy tờ hợp lệ.
Bà Vân Anh gợi ý khách hàng mua bảo hiểm xe máy có thể gọi điện lên tổng đài công ty bảo hiểm và đề nghị nhân viên hỗ trợ kiểm tra thông tin, số xêri in trên giấy chứng nhận để tránh trường hợp mua phải hàng giả.
Người dân TP.HCM ùn ùn đi mua bảo hiểm xe máy lề đường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cài ứng dụng để giám định từ xa
Ông Đậu Ngọc Huy - giám đốc điều hành Stringee - cho hay có khoảng 80% cuộc gọi từ khách đến các doanh nghiệp bảo hiểm là báo cáo tổn thất, yêu cầu bồi thường. Nhưng thường khách hàng phải trải qua nhiều bước như gọi đến tổng đài gặp nhân viên tư vấn, nhân viên tư vấn lưu thông tin rồi chuyển đến giám định viên.
Giám định viên và khách hàng trao đổi, sau đó giám định viên xuống hiện trường. Điều này dẫn đến mất một khoảng thời gian. Chưa kể khi vụ tai nạn ở vùng sâu vùng xa, trời tối hoặc hiện trường không thể giữ đủ lâu vì tắc đường, phải chở người đi cấp cứu... thì giám định viên rất khó tới kịp.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nay một số doanh nghiệp bảo hiểm ở Việt Nam đang áp dụng công nghệ của Stringee - nền tảng cung cấp tính năng nghe, gọi video, chat, sms cho phép tích hợp nhanh vào ứng dụng/website của doanh nghiệp để hỗ trợ khách hàng.
Nhờ đó khi xảy ra tai nạn, khách hàng chỉ cần gọi video trực tuyến qua ứng dụng bảo hiểm đã có thể kết nối ba bên gồm khách hàng - nhân viên tư vấn - giám định viên. File (tệp) ghi hình, ghi âm sẽ được lưu lại trên hệ thống, cho phép thẩm định từ xa, cập nhật trạng thái, giám định có thể không cần đến hiện trường.
|
Cách làm thủ tục bồi thường bảo hiểm xe cơ giới
Khi xảy ra thiệt hại về người/xe, khách hàng liên lạc trực tiếp đến tổng đài của công ty bảo hiểm kết nối với nhân viên giám định để được hướng dẫn làm hồ sơ bồi thường.
Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, chỉ có 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản theo mẫu (có thể tải mẫu trên website của doanh nghiệp bảo hiểm) và các tài liệu quy định trong hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 3 năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường.
|
5,1 tỉ đồng
Đó là số tiền Tổng công ty bảo hiểm PVI chi trả cho quyền lợi bảo hiểm xe máy năm 2019 với 500 vụ. Ước tính doanh thu với bảo hiểm bắt buộc cho môtô/xe máy của doanh nghiệp này thời gian gần đây tăng khoảng 30%.
|
BÔNG MAI (TTO)