Du lịch

Kbang: Hội tụ tiềm năng phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ giàu tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, huyện Kbang sắp có thêm một loại hình du lịch mới đó là trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái. Dự án được lãnh đạo huyện Kbang đánh giá có tính khả thi cao vì không những đem lại thu nhập cho người dân mà còn kết nối được các tour du lịch ngoài tỉnh. 
Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) sau nhiều ngày khảo sát thực tế tại huyện Kbang  đã có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh Gia Lai xin chủ trương thực hiện ngay dự án nuôi trồng dược liệu và phát triển du lịch.
Triển vọng du lịch sinh thái
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa phương Kbang rất thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái. Ảnh: M.N
Từ chủ trương kêu gọi xúc tiến đầu tư của tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn đã tìm đến Kbang xin thuê dài hạn 50 ha đất rừng để xây dựng dự án nuôi trồng dược liệu và phát triển du lịch. Qua khảo sát tại địa phương, kiểm tra thực tế ở các điểm đến, nhà đầu tư triển vọng này nhận thấy tại tiểu khu 25 (xã Đak Rong) có thảm thực vật phong phú và nhiều loại cây dược liệu quý như: các loại nấm, sâm, thông đất, mật nhân…. Đây cũng là nơi thích hợp trồng và phát triển thêm các loại dược liệu khác như: ba kích, các loại sâm, lan kim tuyến… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Qua làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy dự án rất có tiềm năng và đầy triển vọng, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khi đơn vị này cam kết cung cấp giống, bao tiêu nguồn sản phẩm từ sâm. Theo đó, ngoài việc chế biến thành thực phẩm chức năng, dược liệu, mỹ phẩm, vườn sâm sau khi được hình thành cũng phục vụ cho công tác phát triển du lịch. Đặc biệt, sâm còn được chế biến thành những món ăn, thức uống bổ dưỡng phục vụ ẩm thực như: lẩu sâm, rượu sâm, trà sâm, kẹo sâm, nước sâm… “Hiện tại, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành nghiên cứu cơ sở pháp lý việc cho đơn vị trên thuê đất rừng, xem xét tình khả thi của dự án sau khi đơn vị này có văn bản xin chủ trương đầu tư dự án. Nếu tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, nhà đầu tư sẽ triển khai thực hiện dự án vào cuối năm 2017 hoặc chậm nhất là vào đầu năm 2018”-ông Phán thông tin.
Về tiềm lực phát triển du lịch của chủ đầu tư, ông Phán cho biết: Nhà đầu tư này hiện đang có Công ty cổ phần Sài Gòn-Măng Đen hoạt động trên lĩnh vực du lịch với các hệ thống khách sạn, nhà hàng và các tour du lịch với lượng khách khắp cả nước. Theo dự án, đơn vị này xin quản lý thác Kon Lok 1 (xã Đak Rong) để khai thác du lịch. Đồng thời cam kết sẽ kết nối điểm du lịch mới hình thành với các điểm du lịch khác như: Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê); cảnh quan thiên nhiên của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng và một số thác nước tại huyện Kbang, biến tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành các điểm đến du lịch hấp dẫn. “Bước đầu, họ sẽ kết nối tour du lịch đang khai thác ở Măng Đen (Kon Tum) với các điểm du lịch tại huyện Kbang, hình thành tuyến: Quy Nhơn-An Khê-Kbang xuyên Đông Trường Sơn lên Măng Đen hoặc từ Măng Đen theo hành trình ngược lại”.
Ngoài ra, một đơn vị khác ở TP. Hồ Chí Minh cũng muốn thỏa thuận mua đất (hoặc thuê dài hạn) của một số hộ dân gần di tích Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An, huyện Kbang) để trồng mít, cam và bảo tồn cây dược liệu quý hiếm kết hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái-lịch sử; tôn tạo lại khu di tích này thành điểm du lịch nối với điểm thác Hang Dơi (thị trấn Kbang), làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), hay Di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê)… 
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng
Kbang được biết đến là một địa phương có nhiềm tiềm năng, hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử. Với hệ thống rừng nguyên sinh, nhiều thác nước đẹp, khí hậu trong lành, hệ thực vật phong phú cộng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Kbang rất thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái. Đặc biệt, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng được cho là hội tụ đầy đủ các tiêu chí về di sản thiên nhiên, địa chất và môi trường. Cộng thêm Di tích Tây SơnTthượng đạo, di chỉ khảo cổ ở thị xã An Khê, tất cả sẽ hợp thành khu vực đủ sức hình thành Công viên địa chất toàn cầu, nâng tầm thương hiệu cho ngành du lịch tỉnh nhà. 
Âm vang của tiếng cồng chiêng như một lời mời gọi, thúc giục nhà đầu tư khám phá một vùng đất giàu tiềm năng du lịch Kbang. Ảnh: M.N
Để phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, huyện Kbang đã không ngừng đẩy mạnh công tác quảng bá, từng bước hình thành các điểm du lịch đa dạng các loại hình; đẩy mạnh các hoạt động duy trì phát triển văn hóa cồng chiêng, phục dựng các làng văn hóa kiểm mẫu. Ông Đặng Thế Dũng-Công ty TNHH một thành viên Tây Nguyên Xanh cho rằng: Kbang có nhiều thác nước rất đẹp, rất hùng vỹ nhưng chưa được khai thác. Do vậy, Công ty đang có kế hoạch xây dựng tour khám phá Đông Trường Sơn: đến An Khê thăm Di tích Tây Sơn Thượng đạo, về Kbang khám phá thác Hang Dơi Kbang, thăm Di tích Lịch sử tại Làng kháng chiến Stơr; trải nghiệm, xem trình diễn một số nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng; thưởng thức các món ẩm thực truyền thống như gà nướng, cơm lam, rượu ghè; xem trình diễn cồng chiêng…
Mới đây, Sở Du lịch và một số công ty lữ hành khai thác du lịch của TP. Hồ Chí Minh cũng đã có chuyến khảo sát một số điểm tham quan tại Kbang. Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ-Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, muốn biến các lợi thế du lịch này thành những điểm đến thu hút khách du lịch, trở thành sản phẩm du lịch thu hút được nhiều khách du lịch thì bước đầu phải thực hiện việc cải tạo đường sá đi đến các điểm tham quan; đầu tư cải tạo và phát triển các cơ sở lưu trú… 
Xác định đây chính là vấn đề mấu chốt, Chủ tịch UBND huyện Kbang Võ Văn Phán cũng khẳng định, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư du lịch vào Kbang, địa phương cũng bắt tay vào thực hiện ngay các công tác hỗ trợ về cơ sở hạ tầng; xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu trở thành điểm nghỉ ngơi sinh hoạt văn hóa giữa khách du lịch với người dân bản địa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống… mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Kbang.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm