Xã hội

Kbang hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Gia Lai về “Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kbang đã ban hành chương trình hành động, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.
Bảo vệ rừng, tạo nguồn sinh kế
Kbang là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn của tỉnh với hơn 128.000 ha (chiếm gần 70% diện tích tự nhiên), phân bố ở 13/14 xã, thị trấn. Địa bàn rộng, diện tích rừng tự nhiên hơn 122.000 ha, lại giáp ranh với nhiều huyện và một số tỉnh gồm: Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Chính vì thế, ngành chức năng cũng như các đơn vị chủ rừng luôn chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo vệ rừng tận gốc; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị cùng người dân tham gia công tác này.
Ông Đinh Văn Khiết (làng Kon Lốk 2, xã Đak Rong) cho hay: Từ năm 2017 đến nay, 58 hộ dân trong làng nhận giao khoán 330 ha rừng và được Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong chi trả hơn 100 triệu đồng/năm. Việc giao khoán bảo vệ rừng đã tạo sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập. Ngoài việc xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, làng còn phân lịch tuần tra, kiểm tra khu vực rừng nhận khoán; từng bước xóa bỏ tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm rẫy.
Theo ông Nguyễn Minh Sự-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đak Rong: Công ty ưu tiên chọn các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc Bahnar thuộc 11 tổ, nhóm cộng đồng làng với 809 hộ dân của xã Đak Rong để giao khoán bảo vệ rừng. Với hơn 15.214 ha rừng, đơn vị giao khoán 3.967 ha cho dân. Trong đó, mức chi trả đối với 3.000 ha rừng sản xuất là 300 ngàn đồng/ha/năm; gần 1.000 ha rừng phòng hộ là 400 ngàn đồng/ha/năm đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định ngoài các hoạt động sản xuất khác. “Với mức chi trả 8-10 triệu đồng/năm, các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Đây là nguồn thu nhập quan trọng giúp người dân trang trải chi phí sinh hoạt cũng như góp phần làm thay đổi nhận thức để họ không tham gia phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy”-ông Sự cho hay.
Anh Đinh Ding-làng Tà Kơr (áo đỏ) đang dần chuyển đổi sang trồng cây mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp thu hồi mà gia đình đang canh tác. Ảnh: Minh Nguyễn
Anh Đinh Ding-làng Tà Kơr (áo đỏ) đang dần chuyển đổi sang trồng cây mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp thu hồi mà gia đình đang canh tác. Ảnh: Minh Nguyễn
Trước đây, xã Sơ Pai từng được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Chính vì thế, trong số diện tích quản lý hơn 8.200 ha, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơ Pai ưu tiên giao khoán quản lý bảo vệ hơn 1.439 ha rừng cho 239 hộ nghèo, cận nghèo của các làng: Kung, Tà Kơr và Buôn Lưới để cải thiện thu nhập. Ông Nguyễn Văn Hợi-Giám đốc Công ty-cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Công ty đã tích cực tuyên truyền, vận động thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để chuyển đổi cây trồng theo mục đích lâm nghiệp và trồng rừng theo kế hoạch của huyện. Với hơn 623,7 ha của 600 hộ dân đang sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, Công ty đã vận động người dân đăng ký trồng rừng. Công ty hỗ trợ 100% vốn và ký hợp đồng trồng rừng. Sau khi thu hoạch, người dân được hưởng 70% tiền bán sản phẩm. Đặc biệt, thực hiện phương án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc Bahnar trồng cây mắc ca, dổi xanh, Công ty đã vận động trồng hơn 200 ha trên phần đất lâm nghiệp thu hồi.
Anh Đinh Ding (làng Tà Kơr) cho hay: Được Công ty và chính quyền xã vận động, đầu năm 2018, trên diện tích hơn 2 ha, anh giữ lại 9 sào cà phê, số còn lại chuyển sang trồng mắc ca. Vụ vừa rồi, anh thu bói hơn 2 tạ quả. Với giá bán 80.000 đồng/kg, anh thu về hơn 20 triệu đồng. Sang năm vào vụ chính, dự kiến sẽ thu hoạch gần 2 tấn. Nếu tính theo giá hiện nay, anh sẽ thu về khoảng 150 triệu đồng. “Trước đây, cũng diện tích này, tôi trồng lúa rẫy chỉ thu được hơn chục bao, còn bắp thì khoảng 5-7 tạ, thu nhập chẳng đáng là bao. Trồng mắc ca chỉ tốn công chăm sóc năm đầu, những năm sau thì chỉ theo dõi cây phát triển. Thời gian nhàn rỗi, vợ chồng tôi cắt cành cà phê hay làm thuê kiếm thêm thu nhập”-anh Ding phấn khởi nói.
Phát triển lâm nghiệp bền vững
Xác định các mục tiêu, nội dung thực hiện chương trình đề ra, ông Vũ Quang Sáng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang-khẳng định: Đơn vị sẽ chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, ngành, đơn vị chủ rừng thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiện có; xây dựng phương án giao rừng, cho thuê môi trường rừng để các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phấn đấu đến năm 2030 đạt 7.850 ha theo chỉ tiêu tỉnh giao. “Ngoài ra, chúng tôi cùng với các đơn vị chủ rừng tiếp tục kiện toàn, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vững mạnh để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ rừng và phát triển rừng. Cùng với đó, duy trì diện tích giao khoán bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng”-ông Sáng nêu giải pháp.
Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, huyện Kbang cũng đang tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Ngoài mô hình trồng sa nhân tím ở xã Sơn Lang và Kon Pne, mới đây, Công ty cổ phần Việt-Nga đã đưa vào trồng thử nghiệm lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên tại xã Đak Rong. Đây là một trong những loài cây có giá trị kinh tế cao (giá bán 20-22 triệu đồng/kg lan khô; 1,5-2 triệu đồng/kg lan tươi). Mô hình này hứa hẹn sẽ được nhân rộng, giúp đồng bào Bahnar nơi đây thoát nghèo.
Công ty Cổ phần Việt-Nga (thị trấn Kbang) đã trồng thử nghiệm thành công cây lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên, mở ra hướng đi mới để các hộ dân tham gia liên kết trồng, nâng cao thu nhập. Ảnh: Minh Nguyễn
Công ty cổ phần Việt-Nga (thị trấn Kbang) đã trồng thử nghiệm thành công cây lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên, mở ra hướng đi mới để các hộ dân tham gia liên kết trồng, nâng cao thu nhập. Ảnh: Minh Nguyễn
Đến thời điểm này, Công ty cổ phần Việt-Nga đã liên kết với 8 hộ dân ở xã Đak Rong triển khai trồng thành công 6.000 m2 cây lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên. Ông Võ Tấn Hưng-Giám đốc Công ty-nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cây giống, trang-thiết bị cần thiết để liên kết nhân rộng mô hình, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Đặc biệt, Công ty sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào Bahnar để giúp người dân vươn lên thoát nghèo”.
Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng rừng ở những khu vực đất bạc màu, độ dốc cao, góp phần tăng độ che phủ rừng. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu, thu mua các loại lâm sản phụ dưới tán rừng gắn với việc nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện đã có một số doanh nghiệp quan tâm, khảo sát, xin chủ trương và thực hiện các thủ tục đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng. Điều này mở ra hướng phát triển mới để người dân tham gia liên kết sản xuất, cải thiện sinh kế.
Lực lượng Kiểm lâm, Công an xã và đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Lực lượng Kiểm lâm, Công an xã và đơn vị chủ rừng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Minh Nguyễn
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ: “Huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; xây dựng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển vốn rừng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Trao đổi với P.V, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Trần Thọ cho biết: Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025). Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đặt ra mục tiêu cụ thể là nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp đến năm 2025 đạt 515 tỷ đồng, phấn đấu giá trị thu nhập của người dân làm nghề rừng tăng 2 lần trên một đơn vị diện tích so với năm 2020. Bên cạnh đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 70,13% năm 2020 lên 70,5% vào cuối năm 2025 và đến năm 2030 đạt trên 71%.
Mặt khác, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang cho rằng: Huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn chương trình mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn và phát triển cây dược liệu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng rừng, khai thác đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm và tổ chức trồng rừng nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, đưa Kbang trở thành điểm sáng của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất; khai thác có hiệu quả, hợp lý các nguồn lợi từ rừng…
MINH NGUYỄN

Kbang hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững ảnh 4
 

Có thể bạn quan tâm