Xã hội

Kbang: Nỗ lực ngăn chặn vấn nạn tự tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, vấn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Trước tình hình đó, huyện đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn vấn nạn này.
Hệ lụy từ vấn nạn tự tử
Căn bếp của gia đình chị Đinh Thị Nguôn (SN 1994, làng Hà Đừng, xã Đak Rong) vừa bị gió lốc làm tốc mái. Nếu chồng còn sống thì chị Nguyên đã không phải lo lắng việc lợp lại mái bếp. Chị tâm sự: “Đầu tháng 2 vừa qua, sau khi đi uống rượu về, bực tức vì mình chưa kịp nấu cơm nên anh ấy đá xoong nồi. Sau đó, anh ấy nghĩ quẩn nên tự tử”. Bà Đinh Thị Xoan (mẹ chị Nguôn) cho biết thêm: “Khi con rể là Đinh Văn Choih (SN 1991) tự tử, gia đình càng gặp nhiều khó khăn với 4 con người sống trong căn nhà tạm bợ. Vợ chồng tôi thì đã già yếu, cháu ngoại chưa đầy 1 tuổi. Dù có đất sản xuất nhưng không có người làm nên cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau”.
Cũng rơi vào cảnh sớm góa bụa là chị Đinh Thị Thim (cùng làng). Từ ngày anh Đinh Văn Noach (SN 1997) ăn lá ngón tự tử hồi tháng 1-2022, căn nhà trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Chị Thim buồn rầu nói: “Trước đây, chồng mình đã 2 lần ăn lá ngón để tự tử nhưng được cứu sống kịp thời. Nhưng vừa rồi, anh tiếp tục ăn lá ngón thì không cứu được nữa. Chồng mình cứ uống rượu say là muốn tự tử. Giờ mình không còn người cùng làm nương rẫy, đất ở xa đành phải bỏ hết, chỉ còn làm 2 sào lúa rẫy thôi. Cuộc sống rất khó khăn”.
Chị Dinh Thị Nguôn (bìa phải) và mẹ tại căn bếp vừa bị tốc mái. Ảnh: Lê Nam
Chị Dinh Thị Nguôn (bìa phải) và mẹ tại căn bếp vừa bị tốc mái. Ảnh: Lê Nam
Đak Rong là xã vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, đặc biệt tính cách, tâm lý của người Bahnar thường tự ti, mặc cảm… là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử xảy ra ngày càng nhiều. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 25 vụ tự tử làm 25 người chết, nhiều nhất là ở các làng Hà Đừng, Kon Lanh. Vấn nạn tự tử đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ông Lê Văn Quang-Chủ tịch UBND xã Đak Rong-cho biết: Nạn tự tử xảy ra trên địa bàn xã tương đối nhiều. Nguyên nhân xuất phát từ các mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày của người dân và để lại những hậu quả rất lớn cho xã hội. Do mất trụ cột lao động hoặc không còn người lao động nên cuộc sống của nhiều gia đình càng khó khăn hơn. Địa phương phải tăng cường công tác đảm bảo an sinh xã hội cho các trường hợp này.
Không chỉ ở xã Đak Rong, vấn nạn tự tử trong đồng bào DTTS còn xảy ra tại nhiều xã của huyện Kbang. Đã 2 năm trôi qua nhưng chị Đinh Thị Lenh (thôn 3, xã Kông Pla) vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau trước cái chết của chồng. Chị Lenh chia sẻ: “Đến giờ, mình cũng không biết nguyên nhân gì khiến chồng tìm đến cái chết vào đầu năm 2020. Khi còn sống, chồng mình hiền lành, chịu khó làm ăn. Giờ chỉ còn mình nuôi 3 đứa con nhỏ, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ”.
Ông Đinh Xăm-người có uy tín của thôn 3-cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng trước vấn nạn tự tử trong đồng bào Bahnar. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân thiếu việc làm, dẫn đến ở nhà tụ tập rủ nhau uống rượu rồi khi say thì xảy ra mâu thuẫn với nhau hay với vợ con dẫn đến tự tử”. Còn bà Lương Thị Trà Giang-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kông Pla thì cho rằng: Hệ lụy để lại cho các gia đình có người tự tử là rất lớn. Họ vừa mất người thân, vừa thiếu lao động khiến kinh tế gia đình càng khó khăn hơn.
Giải pháp ngăn chặn
Theo Chủ tịch UBND xã Đak Rong: Liên quan đến vấn nạn tự tử trong đồng bào DTTS, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề; UBND xã cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai cho các tổ tự quản, tổ hòa giải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giải quyết sớm các mâu thuẫn trong gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, xã đã thành lập tổ phản ứng nhanh để thường xuyên nắm bắt tình hình, khi có thông tin thì xuống trực tiếp trao đổi với gia đình, giải quyết khó khăn, mâu thuẫn, ngăn chặn nguy cơ tự tử.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kông Pla cho biết: Nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử xảy ra chủ yếu do rượu, bia, mâu thuẫn gia đình bế tắc không giải quyết được. Thời gian qua, Mặt trận và các đoàn thể xã phối hợp với các tổ hòa giải, già làng, trưởng thôn xuống địa bàn nắm bắt tình hình, tìm hiểu nguyên nhân để hạn chế những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến tự tử. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền về vấn đề này thông qua các cuộc họp của chi hội, tổ hội…
Chính quyền xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: Lê Nam
Chính quyền xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: Lê Nam
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Kbang xảy ra 65 vụ tự tử, làm 64 người chết, độ tuổi từ 15 đến 60. Vấn nạn tự tử xảy ra nhiều ở xã Đak Rong, Kông Pla. Qua phân tích, hơn 80% số vụ tự tử có liên quan đến bia, rượu.
Trao đổi với P.V, ông Đỗ Phúc Quán-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kbang-cho biết: Trước thực trạng trên, Huyện ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng cơ sở, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội, đoàn thể triển khai các giải pháp để hạn chế vấn nạn tự tử trong đồng bào DTTS. Tập trung theo dõi, nắm tình hình tại các thôn, làng, gia đình có người có biểu hiện hành vi tự tử để tuyên truyền, vận động, giải thích cá biệt đối với các trường hợp này; duy trì, khôi phục các lễ hội truyền thống tốt đẹp; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; huy động nguồn lực để làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; bồi dưỡng nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho tổ hòa giải ở các thôn, làng để giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận thức tốt hơn giá trị của cuộc sống; xây dựng lực lượng tư vấn tại thôn, làng gồm: già làng, trưởng thôn, người có uy tín để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, trong ứng xử, quan hệ bạn bè, cộng đồng.
“Thời gian đến, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt công tác hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền của tổ hòa giải ở cơ sở, kết hợp giữa truyền thống dân tộc với pháp luật để giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng DTTS để gặp gỡ, trao đổi, giải quyết những vướng mắc, xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti trong đồng bào DTTS, giúp bà con ổn định cuộc sống”-Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy thông tin thêm.
LÊ NAM - MINH NGÂN
 
 

Có thể bạn quan tâm