Điểm đến Gia Lai

Kbang quan tâm nghề trồng dâu nuôi tằm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Huyện ủy Kbang (Gia Lai) phối hợp cùng Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang đã tổ chức cho một số hộ nông dân tiêu biểu, lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp và cán bộ xã, huyện đi tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng. Qua chuyến tham quan này, huyện sẽ nghiên cứu, xem xét việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Đoàn tham quan của huyện Kbang do Bí thư Huyện ủy Trương Văn Đạt dẫn đầu đã đến tìm hiểu một số mô hình trồng dâu nuôi tằm tại thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Đây cũng là nơi cách đây hơn 1 năm, anh Trần Văn Tiếng (làng Jlao, xã Kông Pla, huyện Kbang) đã đến học hỏi kinh nghiệm để triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình. Anh Tiếng cho biết, đầu năm 2018, gia đình anh đã trồng 3 ha dâu để nuôi 15 hộp tằm. Sau một thời gian chăm sóc, anh xuất bán được gần 8 tạ kén, lãi hơn 100 triệu đồng. Thấy mô hình đem lại lợi nhuận cao, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm. Hiện nay, anh đã mở rộng diện tích trồng dâu lên 5 ha và liên kết với bà con trồng được 5 ha để nuôi tằm.
 Đoàn cán bộ huyện Kbang tham quan mô hình nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: M.N
Đoàn cán bộ huyện Kbang tham quan mô hình nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: M.N
Chứng kiến thành công của các hộ trồng dâu nuôi tằm ở thị trấn Nam Ban, đoàn tham quan của huyện Kbang đánh giá rất cao hiệu quả mô hình này. Theo đó, với 1 ha trồng dâu bán lá, người dân thu lợi khoảng 100 triệu đồng/năm; nếu nuôi tằm bán kén thì lãi trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người dân còn có thêm thu nhập từ việc bán hom dâu giống.
Bên cạnh tìm hiểu về quy trình kỹ thuật, hiệu quả của việc trồng dâu nuôi tằm, các thành viên đoàn tham quan còn được lãnh đạo Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang giới thiệu và cam kết một số chính sách đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Cảnh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang-cho biết: “Chính sách ưu đãi của Công ty là cho vay trước, trả sau. Về giống dâu thì Công ty cho vay trước 50%, sau khi có dâu nuôi tằm rồi thì cho vay thêm 50% để mua dụng cụ nuôi. Khi người dân nuôi tằm thì Công ty cho vay 100% tiền mua giống. Tất cả các khoản vay trên, khi người dân có sản phẩm bán, Công ty sẽ trừ làm nhiều lần trong năm. Công ty cũng có đội phòng dịch hỗ trợ cho người dân. Về chính sách thu mua sản phẩm, nếu người dân muốn bán lá dâu, Công ty sẽ  mua lá dâu; nuôi tằm muốn bán kén thì Công ty mua kén. Công ty đảm bảo mua hết sản phẩm lá dâu, kén tằm của người dân”.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Kbang hiện có khoảng 25 ha dâu và một số hộ đã mạnh dạn nuôi tằm. Từ chuyến tham quan thực tế tại Lâm Đồng và so sánh hiệu quả kinh tế của mô hình trồng dâu nuôi tằm với một số loại cây trồng khác tại địa phương, ngành chuyên môn ở Kbang đặc biệt quan tâm đến mô hình này. Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ-khẳng định: “Sau đợt tham quan này, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm ở địa phương bởi có Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang hỗ trợ, hướng dẫn cho bà con về quy trình kỹ thuật cũng như vốn đầu tư ban đầu”.
Còn ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-thông tin: “Qua kết quả thí điểm, chúng tôi đã có báo cáo, xin chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy cũng như ý kiến của Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn. Chủ trương của huyện là bước đầu sẽ triển khai ở các xã phía Nam, nhất là những diện tích mía vượt quy hoạch thì sẽ chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Trong đó, huyện ưu tiên cho những diện tích có điều kiện về nước tưới, đồng thời vẫn đảm bảo diện tích quy hoạch mía nguyên liệu cho Nhà máy Đường An Khê. Sau đợt tham quan này, huyện sẽ tiếp tục triển khai cho các hộ dân đăng ký và xây dựng dự án đầu tư, liên kết trồng dâu nuôi tằm giữa các hộ dân với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang”.
 MINH NGÂN

Có thể bạn quan tâm