Xã hội

Đời sống

Kbang “tiếp sức” cho hộ nghèo an cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều hộ người DTTS khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kiên cố để ổn định cuộc sống.

Năm 2015, vợ chồng chị Đào Thị Súng (thôn 1, xã Lơ Ku) ra ở riêng được bố mẹ cho mảnh đất nhưng không đủ tiền xây nhà. Thương cảnh vợ chồng trẻ không có chỗ ở, vợ chồng người anh đã cho ở nhờ trong ngôi nhà nhỏ gia đình không sử dụng. Ngôi nhà chỉ có 1 phòng kê đủ chiếc giường và lối đi.

Do sử dụng nhiều năm, ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng nặng, mùa mưa nước dột tứ bề, mùa nắng nóng bức. Ngôi nhà càng trở nên chật chội hơn khi có thêm 2 đứa con.

Cuối năm 2022, gia đình chị Súng được huyện hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Như được tiếp thêm động lực, chị Súng vay mượn thêm của người thân và bỏ tiền tích góp được 150 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà rộng gần 100 m2 có phòng khách, 2 phòng ngủ và khu bếp rộng rãi.

“Hơn 1 năm qua, gia đình tôi không còn cảnh chen chúc, mưa ướt, nắng nóng. Gia đình có 2,4 sào lúa nước, 5 sào đất trồng rau màu. Tôi ở nhà chăm nom các con và lo việc đồng áng. Còn chồng đi làm công nhân trong TP. Hồ Chí Minh, hàng tháng gửi tiền về. Sau khi trả hết nợ, vợ chồng tôi sẽ mua sắm vật dụng, trang hoàng nhà cửa đẹp hơn”-chị Súng phấn khởi cho biết.

Chị Đào Thị Súng (thôn 1, xã Lơ Ku, huyện Kbang) phấn khởi được sinh sống trong ngôi nhà vững chắc. Ảnh: Ngọc Minh

Tương tự, cuối năm 2023, được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình chị Đinh Thị Ngọc (làng Đak Giang II, xã Đông) vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà kiên cố, thay thế cho ngôi nhà nhỏ lụp xụp đã ở hơn 10 năm.

Trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, chị Ngọc vui vẻ chia sẻ: “Gia đình có 3 sào chuối, chăn nuôi 2 con bò, 6 con dê. Hàng ngày, vợ chồng chịu khó lao động, đi làm thuê làm mướn kiếm thêm thu nhập nhưng chỉ đủ nuôi con cái học hành, không thể xây nhà mới.

May mắn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, lại tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, gia đình đã xây dựng ngôi nhà khang trang. Có chỗ ở ổn định rồi, vợ chồng tôi bảo ban nhau làm lụng, phát triển kinh tế để đời sống tốt hơn”.

Năm 2023, xã Đông có 4 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở (44 triệu đồng/hộ) từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hầu hết các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn, chỗ ở chưa đảm bảo.

Ông Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND xã Đông-cho biết: “Chính sách hỗ trợ đã giúp người dân có chỗ ở ổn định và góp phần giảm số nhà tạm của xã xuống còn 15 căn. Đồng thời, việc hỗ trợ này còn giúp địa phương nâng cao chất lượng một số tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới”.

Nhờ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, chị Đinh Thị Ngọc (bìa phải, làng Đak Giang II, xã Đông) được hỗ trợ tiền để xây nhà ở kiên cố. Ảnh: N.M

Còn ông Trịnh Xuân Thông-Chủ tịch UBND xã Kông Pla thì cho hay: Năm 2023, toàn xã có 4 hộ DTTS được hỗ trợ tổng cộng 176 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để làm nhà. Các gia đình đã vay thêm vốn để xây dựng nhà kiên cố.

“Năm 2024, xã tiếp tục triển khai hỗ trợ kinh phí làm nhà cho 2 hộ. Xã đang làm các thủ tục hồ sơ, dự kiến đầu quý II sẽ triển khai xây dựng nhà cho 2 hộ này. Trong quá trình triển khai, UBND xã phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể huy động sự giúp đỡ của cộng đồng dân cư để hỗ trợ xây dựng nhà đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ gia đình”-ông Thông cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền-Trưởng phòng Dân tộc huyện Kbang: Năm 2023, huyện có 58 hộ DTTS được Trung ương, tỉnh hỗ trợ 2,432 tỷ đồng; người dân vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội 2,32 tỷ đồng để xây dựng nhà ở kiên cố. Năm 2024, tỉnh phân bổ cho huyện hỗ trợ 16 hộ làm nhà (44 triệu đồng/căn). Huyện đã phân bổ cho các xã: Kông Lơng Khơng, Tơ Tung, Kông Pla, Đak Smar, Sơn Lang và xã Đông.

“Trên cơ sở vốn giao, các xã triển khai xuống các thôn, làng rà soát, bình xét, lập hồ sơ gửi về Phòng Dân tộc để tổng hợp. Phòng phối hợp với các cơ quan liên quan của huyện thẩm định hồ sơ, trình UBND huyện phê duyệt danh sách, dự toán xây nhà của các xã. Các địa phương sẽ tổ chức triển khai cùng các gia đình xây dựng công trình nhà ở theo phương án đã duyệt”-bà Huyền thông tin.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Việc huy động nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã góp phần xóa nhà ở tạm bợ, nhà dột nát trên địa bàn, giúp nhiều hộ DTTS có chỗ ở ổn định.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên nắm bắt, rà soát, cập nhật những hộ dân đang ở nhà tạm, dột nát để xác định nhu cầu làm mới, sửa chữa nhà ở cho bà con; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kiên cố cho hộ dân phải đúng quy trình, quy định.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn, thôn, làng cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động chỉnh trang, tu sửa nhà cửa, khuôn viên khang trang, ngăn nắp đảm bảo theo Quyết định số 826/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Bộ tiêu chí thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Có thể bạn quan tâm