Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Kể chuyện điêu khắc Di chúc của Bác trên bản gỗ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 50 năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng. Trong lễ truy điệu Người tại Quảng trường Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng xúc động công bố văn bản “tuyệt đối bí mật”, đó chính là Di chúc Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. 
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện di huấn của Bác đối với các thế hệ mai sau, từ năm 1984, khi công trình Nhà trưng bày hình ảnh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đang xây dựng (sau này là Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum), lãnh đạo tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn hợp đồng với họa sĩ Nguyễn Hữu Phước làm “Bản điêu khắc Di chúc” của Bác. Cuối năm 2016, trong quá trình xác minh, bổ sung thông tin hiện vật, cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng đã gặp ông Trịnh Tấn Thời (trú tại 109 Hùng Vương, tổ 8, phường Hội Thương, TP. Pleiku), là người trực tiếp cùng với họa sĩ Nguyễn Hữu Phước làm ra tác phẩm thiêng liêng và độc đáo này.
 Bản điêu khắc Di chúc của Bác. Ảnh: N.A.M
Bản điêu khắc Di chúc của Bác. Ảnh: N.A.M
Ông Thời sinh năm 1952 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1973, ông theo học tại Trường Đại học Thần học (Viện Đại học Đà Lạt), đồng thời học thêm nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ. Đầu tháng 4-1975, TP. Đà Lạt được giải phóng, trường lớp tạm đóng cửa, ông phải nghỉ học. Năm 1976, ông lập gia đình tại Gia Lai và sinh sống bằng nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ, đồ lưu niệm.
Ông Thời bồi hồi nhớ lại: Năm 1984, ông Nguyễn Hữu Phước là họa sĩ đảm nhận thi công một số hạng mục cho công trình Nhà trưng bày hình ảnh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phước mời ông tham gia thi công nội dung trang Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi nhận công việc, ông dành rất nhiều thời gian nghiên cứu kỹ từng nét chữ của Bác, để khi khắc lên gỗ thể hiện sự độc đáo và giống với nét chữ của Người. Với nghề cưa lọng đã được học và kinh nghiệm làm đồ thủ công mỹ nghệ, ông trực tiếp đi Đà Lạt mua dụng cụ, gỗ, keo dán về làm. Lúc đầu, công việc gặp rất nhiều khó khăn, nhất là với những chữ Bác sửa, Bác gạch và viết lại bằng mực đỏ… Sau cùng ông nghĩ ra cách chụp lại trang Di chúc, phóng to lên giấy, dán lên gỗ rồi dùng lưỡi cưa chỉ để cắt lọng từng nét chữ. Trải qua nhiều lần thất bại như chữ bị hỏng sau khi cắt, gỗ co giãn khiến chữ bị gãy hoặc chữ bong tróc sau khi dán…, nhưng với lòng yêu kính Bác cùng sự nỗ lực vượt bậc, ông Thời đã hoàn thành tác phẩm bằng gỗ lồng mức sau hơn 3 tháng. Chữ sau khi cắt ra được phủ lớp nhũ màu vàng đồng, đính lên vải nhung đỏ, đồng thời được sắp xếp cho đúng với nguyên văn trang Di chúc mà Bác viết ngày 10-5-1969. Tác phẩm sau khi đưa lên trưng bày đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và khách tham quan khen ngợi, đánh giá rất cao về tính mỹ thuật.
Hiện vật này hiện đang được trưng bày ở vị trí trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum (nay là Bảo tàng tỉnh Gia Lai). Theo ông Phạm Đình Phúc-Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh: Hiện vật “Bản điêu khắc Di chúc” của Bác đã trưng bày hơn 35 năm nhưng luôn được bảo quản tốt, vẫn nguyên vẹn từng nét chữ như lúc ban đầu, là một trong những hiện vật quý, độc đáo của Bảo tàng. Ngắm nhìn và đọc từng chữ Bác viết, ta thấy như có hồn trong từng nét chữ.
50 năm đã qua đi nhưng bản Di chúc của Bác vẫn còn nguyên giá trị, đó là sự định hướng, soi đường, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di chúc của Người là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, là bảo vật của quốc gia. Dù chỉ thể hiện một trang Di chúc Bác viết năm 1969 nhưng “Bản điêu khắc Di chúc” của Bác đã góp phần tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong giai đoạn hiện nay.
 NGUYỄN ANH MINH

Có thể bạn quan tâm