Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Kế hoạch đóng chiến hạm 'táo bạo' phục vụ tham vọng của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giới quan sát cho rằng nếu kế hoạch đóng chiến hạm của Bắc Kinh thành công, Trung Quốc sẽ có đội chiến hạm phục vụ cho những tham vọng của nước này ở vùng biển xa, nhưng sẽ tạo thêm “gánh nặng”.
 

Các tàu hộ vệ của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông ngày 4.1 - Ảnh chụp màn hình Chinamil.com.cn
Các tàu hộ vệ của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông ngày 4.1 - Ảnh chụp màn hình Chinamil.com.cn



Tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) hôm nay 10.1 đăng bài viết cho thấy Bắc Kinh đang thực hiện kế hoạch đóng tàu chiến đầy táo bạo. Hàng chục tàu khu trục và tàu hộ vệ đang được đóng và chỉ trong năm 2019 có tới 24 chiến hạm lớn từ khu trục hạm đến tàu đổ bộ và khinh hạm được hạ thủy.

Thêm 65 chiến hạm trong 10 năm

Hiện không có con số cụ thể về số tàu chiến Trung Quốc đóng theo kế hoạch trên, nhưng Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS) ước tính Trung Quốc sẽ đóng thêm 65 chiến hạm trong thập niên tới, theo SCMP. Trong báo cáo được công bố hồi tháng 12.2020, CRS cho rằng số chiến hạm dự kiến đóng mới sẽ nâng tổng số tàu chiến của Trung Quốc vào năm 2030 lên 425 chiếc, trong đó có cả tàu sân bay, tàu ngầm và khu trục hạm.

Với hơn 300 tàu chiến đang hoạt động, Trung Quốc hiện có số chiến hạm lớn hơn Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Trung Quốc “có hải quân lớn nhất trên thế giới, với lực lượng tác chiến tổng thể có hơn 350 tàu”. Trong khi đó, tính đến đầu năm 2020, lực lượng tác chiến của hải quân Mỹ có 293 tàu, theo CRS. Tuy nhiên, những thiết giáp hạm của Mỹ lớn hơn nhiều và sẵn sàng tác chiến hơn so với tàu Trung Quốc. SCMP chỉ ra Mỹ có tới 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khi Trung Quốc hiện chỉ có 2 tàu sân bay, trong đó mới có một chiếc có khả năng sẵn sàng tác chiến. Trung Quốc dự kiến hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ 3 và chuẩn bị đóng chiếc thứ 4 trong năm nay.


 

 Trung Quốc đang mở rộng đội thiết giáp hạm nhằm phục vụ cho các tham vọng của nước ngày càng tăng - Ảnh chụp màn hình SCMP
Trung Quốc đang mở rộng đội thiết giáp hạm nhằm phục vụ cho các tham vọng của nước ngày càng tăng - Ảnh chụp màn hình SCMP


Nhằm hộ tống các tàu sân bay, Trung Quốc đóng thêm 6 tàu khu trục tàng hình tối tân của nước này Type 055. Đây được xem là chiến hạm mạnh thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau khu trục hạm lớp Zumwalt của Mỹ. Hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động một chiếc Type 055. Ngoài ra, Công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đang hoàn thành đơn hàng đóng 20 tàu hộ vệ được nâng cấp, Type 054B, theo tạp chí quân sự Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology. 30 chiếc tàu hộ vệ thuộc phiên bản đầu tiên đã được hoàn thành trong một thập niên, với 6 chiếc cuối cùng được bàn giao vào năm 2019.

Trong nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu hộ vệ có nhiệm vụ thực hiện hoạt động phòng không và chống tàu ngầm, có vũ khí hiện đại và khả năng tàng hình. SCMP dẫn lời ông Lữ Lễ Thi, cựu thuyền trưởng của một tàu chiến Đài Loan, nhận định kế hoạch đóng thêm tàu khu trục Type 055 và tàu hộ vệ Type 054B nhằm chuẩn cho tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc.

Bất khả khi?

Trung Quốc cần thêm tàu đổ bộ và tàu hộ để thực hiện các hoạt động ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, theo Hoàn Cầu thời báo. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, như tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bắc Kinh cũng cần các đội tàu hải quân để bảo vệ các tuyến cung cấp dầu cho Trung Quốc trải dài từ Trung Đông và thông qua các vùng biển ở Ấn Độ Dương và Biển Đông. Bênh cạnh đó, Trung Quốc cũng cần bảo vệ các lợi ích của mình ở nước ngoài theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án cơ sở hạ tầng lớn trải dài từ Đông Á đến châu Âu.

 

Ba tàu đổ bộ của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 11.2020 - Ảnh chụp màn hình Chinamil
Ba tàu đổ bộ của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 11.2020 - Ảnh chụp màn hình Chinamil


Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng việc mở rộng cấp tốc các đội tàu hải quân của Trung Quốc sẽ có tác động lâu dài tới việc huấn luyện, khả năng tác chiến và thậm chí cả bảo trì, theo SCMP. Tổng biên tập chuyên san Kanwa Defence Review (Canada) Andrei Chang nhận định chỉ trong 10 năm, một quốc gia không thể nào huấn luyện được đủ số lượng thuyền trưởng có khả năng thật sự để chỉ huy gần 100 chiến hạm. “Thuyền trưởng của một chiến hạm cần ít nhất 4 năm đào tạo ở trường hải quân, còn các thủy thủ ngày nay cần huấn luyện về tâm thần, thể chất và kỹ thuật toàn diện. Trung Quốc cũng cần gia tăng ngân sách quốc phòng cho việc bảo trì lâu dài hàng trăm chiến hạm hiện đại. Đây sẽ là gánh nặng đối với quốc gia này”, ông Chang bình luận, theo SCMP.
 

Theo VĂN KHOA (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm