Bạn đọc

Kéo giảm tai nạn giao thông ở Gia Lai: Cần giải pháp cấp bách, thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 4 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cả 3 chỉ số (số vụ, số người chết và người bị thương) so với cùng kỳ năm 2020. Điều đó đòi hỏi có giải pháp cấp bách, thiết thực nhằm kiềm chế và kéo giảm TNGT.

Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 115 vụ TNGT, làm chết 83 người, bị thương 93 người. So với cùng kỳ năm 2020, TNGT tăng cả 3 chỉ số: tăng 10 vụ, 10 người chết và 3 người bị thương. Đáng chú ý, TNGT nghiêm trọng và rất nghiêm trọng liên tục xảy ra tại một số đoạn tuyến quốc lộ như: đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Chư Pưh và quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Thiện, Chư Sê.

Riêng tháng 4, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ TNGT (tăng 76,47% so với cùng kỳ năm 2020), làm chết 18 người (tăng 5,88%), bị thương 35 người (tăng 191,67%). Còn trong 4 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 3 vụ TNGT, làm 5 người chết, 3 người bị thương.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an huyện Phú Thiện phối hợp với Công an xã Ia Peng gọi hỏi, răn đe thanh-thiếu niên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Ảnh: Nguyễn Hữu


Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh-nhìn nhận: Từ đầu năm đến nay, TNGT đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Nhiều cháu chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe máy phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người và thường tụ tập chạy xe sau khi đã uống rượu, bia.

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cũng chỉ ra rằng: Nổi lên trong thời gian qua là tình trạng thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số tụ tập thành từng tốp, nhóm đua xe, nẹt pô, phóng nhanh, lạng lách... trên đường gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.

Liên quan vấn đề này, ông Siu Luynh-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: “Trong quý I, trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ TNGT, làm chết 8 người, bị thương 1 người; so với cùng kỳ năm 2020 tăng 2 chỉ số về số vụ và số người chết. Đáng chú ý, cả 8 vụ TNGT đều liên quan đến người dân tộc thiểu số”.

Tương tự, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cũng thông tin: 4 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 2 người; trong khi cả năm 2020 trên địa bàn huyện có 11 người chết vì TNGT. “Tai nạn giao thông giảm 1 vụ, giảm 6 người bị thương nhưng tăng đến 5 người chết. Tất cả các vụ TNGT xảy ra đều liên quan đến người dân tộc thiểu số, 7/8 người chết do TNGT đều là thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số. Điều này thực sự ám ảnh”-ông Lê Quang Thái băn khoăn.

Cần giải pháp thực tiễn

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT quý I và triển khai nhiệm vụ trong quý II, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông-Phó Trưởng ban ATGT tỉnh nêu rõ: Gia Lai nằm trong số 30 địa phương bị phê bình tại hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá ATGT quý I do Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vì có số người chết do TNGT tăng.

Do vậy, trong các tháng tiếp theo, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để kéo giảm TNGT ở cả 3 chỉ số. Các ngành, địa phương phải phân tích rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp để tháo gỡ thực trạng này. “Giải pháp phải gắn với thực tiễn, không thể chung chung”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông trao tặng mũ bảo hiểm cho người dân xã Ia Ake (huyện Phú Thiện). Ảnh: Lê Hòa

Các địa phương TNGT tăng trong 4 tháng đầu năm 2021: Đak Pơ 7 vụ (tăng 250% so với cùng kỳ năm 2020), làm chết 5 người (tăng 400%), bị thương 4 người (tăng 33,33%); Mang Yang 7 vụ (tăng 133,33%), làm chết 5 người (tăng 400%), bị thương 4 người (tăng 33,33%); Ia Pa 7 vụ (tăng 133,33%), làm chết 3 người (giảm 25%), bị thương 7 người (tăng 700%); Đak Đoa 19 vụ (tăng 72,73%), làm chết 9 người (tăng 200%), bị thương 26 người (tăng 116,67%); Krông Pa 5 vụ (tăng 66,67%), làm chết 4 người (tăng 100%), bị thương 5 người (tăng 66,67%); Đức Cơ 8 vụ (tăng 60%), làm chết 8 người (tăng 100%), bị thương 1 người (giảm 83,33%)...
 

Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh cho rằng: Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát và xử lý chỉ là ngăn chặn “phần ngọn” của vấn đề. Căn cơ hơn phải làm sao nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn; phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dân không vi phạm. Đó mới là gốc rễ.

“Thời gian qua, chúng tôi đã thành lập các tổ, nhóm về các trường học, địa phương, trong đó phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San vừa biểu diễn văn nghệ, vừa tuyên truyền lồng ghép ATGT và tặng quà cho người dân để thu hút bà con đến xem. Công an một số địa phương cũng triển khai các hình thức tuyên truyền lồng ghép tương tự.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát Giao thông cũng chỉ giới hạn trong phạm vi nào đó vì nhiệm vụ chính phải đảm đương cũng đã rất vất vả, áp lực. Bởi vậy, chúng tôi hy vọng các ban ngành, đoàn thể phối hợp cùng Công an các địa phương dành sự quan tâm nhiều hơn cho công tác tuyên truyền đến người dân sở tại, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên có biểu hiện càn quấy, vi phạm trật tự ATGT”-Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh bày tỏ.

Riêng với huyện Chư Pưh, ông Lê Quang Thái chia sẻ về một số giải pháp đang triển khai: “Chúng tôi đã xây dựng 6 nhóm giải pháp: Tổ chức tuyên truyền ATGT bằng hình thức thu âm nội dung tuyên truyền bằng tiếng Jrai, có lồng ghép nhạc để thu hút người nghe, nhất là thanh-thiếu niên. Tổ chức các đợt học tập ATGT tại cộng đồng, ký cam kết chấp hành quy định trật tự ATGT đối với các trường hợp thanh niên càn quấy, có sự phối hợp của gia đình.

Toàn huyện thành lập 21 tổ giáo dục ở các thôn, làng; hàng tuần sẽ đưa ra nhắc nhở, thậm chí kiểm điểm các trường hợp thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Cùng với đó, lực lượng Công an gọi hỏi, răn đe các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp triển khai đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe về vùng sâu, vùng xa”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao các giải pháp mà huyện Chư Pưh đang triển khai, đặc biệt là sự kết hợp sáng tạo trong việc tuyên truyền bằng tiếng Jrai kết hợp lồng ghép âm nhạc. “Huyện Chư Pưh tiếp tục triển khai, đồng thời có đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm thực tế. Nếu phù hợp các địa phương khác có thể học tập, nhân rộng”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông nhấn mạnh.

 

LÊ HÒA
 

Có thể bạn quan tâm