Thông tin về chiếc hộp được cho là đựng xá lị (xá lợi) của Phật hoàng Trần Nhân Tông đưa ra tại tọa đàm "Đệ tam tổ Huyền Quang với Phật giáo Trúc Lâm" (tổ chức tại Ngọa Vân Yên Tử, TX.Đông Triều, Quảng Ninh) ngày 2.3 vừa qua một lần nữa cho thấy Ngọa Vân là một điểm đến thiêng.
"Chiếc hộp được tìm thấy khi khai quật khảo cổ và chúng tôi cho rằng đó là hộp đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông", TS Nguyễn Văn Anh (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) nói.
Hình chụp X-quang chiếc hộp được cho là đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông |
Chiếc hộp này, theo TS Nguyễn Văn Anh, dài 80/83 mm, cao 45/46 mm, rộng 46/49 mm. Trên mặt hộp có vết vải và dây buộc hình chữ thập (十). Điều đó cho thấy hộp được bọc trong một túi vải, ngoài có dây buộc. Kết quả phân tích thành phần chất liệu bằng phương pháp huỳnh quang tia X cho biết hộp được làm bằng hợp kim chì, đồng và thiếc.
Do giả thuyết đó là một chiếc hộp đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, các nhà khoa học phụ trách khai quật cũng như các nhà quản lý ở tỉnh Quảng Ninh quyết định không mở chiếc hộp này mà sử dụng cách chụp X-quang để nghiên cứu.
"Chiếc hộp có hình dáng rất giống với bảo vật quốc gia hộp đựng xá lị tại Tháp Nhạn (Nghệ An). Khi chụp X-quang, kết quả cho thấy hộp gồm 2 lớp, bên trong có một hộp nữa, trong hộp bên trong có một vật hình que và một vật hình tròn", ông Anh nói.
Nơi giữ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Ngọa Vân Yên Tử |
TS Nguyễn Văn Anh cùng nhóm nghiên cứu của mình cũng giải thích việc cho rằng đây nhiều khả năng là xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, dựa trên việc khi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa, đệ tử Pháp Loa tổ chức thiêu và thu được mấy nghìn viên xá lị. Sau đó, một số được để lại Ngọa Vân để xây bảo tháp, còn gọi là Phật hoàng Tháp, một số được mang về Thăng Long rồi từ Thăng Long mang về Thái Bình…
Trả lời câu hỏi, liệu phát hiện này có thay đổi "bản đồ" phân bố xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông hay không, TS Anh cho biết, qua ghi chép và những bằng chứng khảo cổ học, có thể vẽ "bản đồ" phân bố này. Bản đồ cũng cho thấy hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lị đi khắp nơi của Phật hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lị của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Trong chuỗi sự kiện đó, Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của ngài. Các nơi khác được lưu giữ xá lị đều là những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo dưới thời Trần.
"Trong số 8 nơi được lưu giữ xá lị của Phật Hoàng thì riêng tự viện Quỳnh Lâm có 2 nơi chứa xá lị của Ngài. Đông Triều, Uông Bí ngày nay dưới thời Trần là đất An Sinh quê gốc của nhà Trần, đồng thời là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nên có đến 4 điểm lưu giữ xá lị của Phật hoàng", TS Nguyễn Văn Anh cho biết.
Về việc phát hiện chiếc hộp được cho là đựng xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, TS Nguyễn Văn Anh cho rằng: "Phát hiện này không thay đổi bản đồ xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nó chỉ khẳng định thêm những ghi chép về điều này có cơ sở".