Thời sự - Sự kiện

Khắc ghi công ơn Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Khắc ghi công ơn trời biển của vị lãnh tụ kính yêu, nhiều người dân trong tỉnh Gia Lai đã vẽ tranh, tạc tượng, lập bàn thờ Bác Hồ.

Nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận

Họa sĩ Nguyễn Văn Điền-giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai-cho biết: Trong hành trình hơn 30 năm giảng dạy môn Mỹ thuật và theo đuổi niềm đam mê hội họa, anh đã tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên vẽ tranh về Bác Hồ kính yêu. Trong rất nhiều kiểu vẽ tranh về Người, thầy Điền yêu thích nhất là kiểu vẽ tranh Bác Hồ đeo khăn quàng đỏ và tự tay đeo khăn quàng đỏ cho các cháu thiếu nhi hay Bác Hồ đi thăm hỏi bà con nông dân hoặc Bác Hồ kéo lưới cùng bà con ngư dân ven biển. Mỗi bức tranh có những nét đẹp và ý nghĩa riêng, nhưng có điểm chung là hình ảnh Bác Hồ rất dung dị, gần gũi. Thầy Điền bày tỏ: “Cả cuộc đời Bác Hồ chăm lo hạnh phúc cho Nhân dân. Hình ảnh Bác Hồ luôn giản dị, thân thiện, sống động và cao đẹp luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của mọi người, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật”.

Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh chỉnh sửa tượng Bác Hồ. Ảnh: H.C

Với nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thì hình ảnh của Bác Hồ đã in sâu vào tâm trí của anh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi có điều kiện, anh đầu tư mở xưởng điêu khắc (số 200 Phù Đổng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) để thỏa niềm đam mê sáng tạo. Thường ngày, anh vẫn say mê tạo mẫu, làm khuôn, đúc tượng, tạc tượng, chỉnh sửa tượng… theo nhu cầu của khách hàng. Trong số hàng ngàn pho tượng Bác Hồ do anh tạo hình, chỉnh sửa, hoàn thiện, anh nhớ nhất là pho tượng Bác Hồ đứng vẫy tay chào cao 1,7 m bằng chất liệu composite. Pho tượng này đã được tỉnh bình chọn, đặt trang trọng trên xe hoa diễu hành nhân dịp Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hồi cuối năm 2005 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

“Nhiều tập thể, cá nhân đặt làm tượng Bác Hồ vào dịp Quốc khánh 2-9, khai giảng năm học mới, sinh nhật Bác... Chất liệu gỗ quý ngày càng khan hiếm nên tôi chuyển sang sử dụng chất liệu thạch cao, xi măng, nhựa cứng. Khi làm tượng Bác Hồ, nghệ sĩ phải thổi hồn vào tượng, phải thể hiện được đường nét thần thái của người lãnh tụ vĩ đại”-nhà điêu khắc Nguyễn Vinh trải lòng.

Thuê người tạc tượng, lập bàn thờ Bác Hồ

Do độ bền rất cao và có khả năng chống mối mọt nên người dân thường lựa chọn gỗ mít để làm đồ trang trí nội thất, làm tượng, làm đồ thờ cúng các vị thần linh và những người đáng kính. Cũng vì vậy mà ông Nguyễn Văn Minh (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã cất công tìm mua cây gỗ mít ưng ý trong vườn của một gia đình ở xã Hòa Phú (huyện Chư Păh). Đầu năm 2010, ông thuê anh Hoàng Đình Cường tạc pho tượng Bác Hồ đứng chào cao 1,69 m và đặt trang trọng tại phòng khách của gia đình. Ông Minh bày tỏ: “Bác Hồ là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Tôi thuê thợ làm tượng Bác Hồ trưng trong nhà là để học tập và làm theo tấm gương của Người”.

Pho tượng Bác Hồ đứng chào cao 1,69 m và đặt trang trọng tại phòng khách của gia đình ông Nguyễn Văn Minh (tổ 5, phường Ia Kring, TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Cư

Từ sự yêu kính, biết ơn Bác Hồ mà nhiều hộ dân ở xóm Nghệ An (làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lập bàn thờ Bác. Ông Nguyễn Thăng Long cho hay: “Xóm hình thành từ năm 1995. Lúc đầu, xóm chỉ có một số người dân từ huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đến nay, cả xóm có hơn 50 hộ với hơn 200 khẩu. Nhớ ơn Bác Hồ, bà con trong xóm lập bàn thờ Người”. Còn ông Siu Hnit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr thì thông tin: “Bà con xóm Nghệ An làm ăn giỏi; lập bàn thờ Bác Hồ; treo cờ trong các ngày lễ, Tết; tổ chức ăn Tết Độc lập (2-9); dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác Hồ. Hiện ngày càng có nhiều gia đình học tập và làm theo nét đẹp văn hóa này”.

Có thể bạn quan tâm