Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Bác Hồ trong ký ức của cựu nữ sinh Vân Kiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong một lần tới thăm gia đình bà Hồ Thị Nhung (số 37/30 Phan Kế Bính, tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku), tôi thấy trong nhà treo rất nhiều huân-huy chương của hai vợ chồng. Qua trò chuyện, tôi được biết, vợ chồng bà Nhung đều là học sinh miền Nam. Đặc biệt, bà Nhung đã được gặp Bác nhiều lần, trong đó có 2 lần bà được ở gần bên Người.

Bà Hồ Thị Nhung (dân tộc Vân Kiều) quê ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Cha của bà giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Khi bà được mấy tuổi, cha có ghé về thăm nhà, rồi chia tay cha đến tận bây giờ.

Năm 1954, bà Nhung cùng với khoảng 10 bạn nữa theo các cô chú bộ đội vượt đường Trường Sơn ra miền Bắc học tập. Qua vĩ tuyến 17, cả đoàn được xe ô tô chở đến Trường học sinh miền Nam số 5, tại Gia Lâm, Hà Nội. Năm 1960, Trường học sinh miền Nam số 5 chuyển về xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đổi tên thành Trường Dân tộc Trung ương.

Với bà Hồ Thị Nhung, những lần gặp Bác Hồ là ký ức không thể nào quên. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Với bà Hồ Thị Nhung, những lần gặp Bác Hồ là ký ức không thể nào quên. Ảnh: Nguyễn Anh Minh

Bà Nhung hồi nhớ: Trường Dân tộc Trung ương là trường dành riêng cho học sinh các dân tộc thiểu số, hầu hết các bạn chỉ biết có tên gọi chứ không biết năm sinh, không thể làm hồ sơ học sinh. Vì vậy, cấp trên cho phép nhà trường thành lập “Hội đồng cha mẹ” là các thầy cô trong trường để làm giấy khai sinh cho học sinh. Về việc đặt tên, Hội đồng gọi từng học sinh lên, kể về những cái tên mà cha mẹ thường gọi lúc ở nhà, trên cơ sở đó đặt cho mỗi người một tên riêng sao cho không trùng với các bạn khác. Khó khăn hơn là việc xác định ngày, tháng, năm sinh. Hội đồng gọi nhiều bạn lên cùng một lúc nhìn mặt rồi đặt tuổi, lấy các ngày kỷ niệm lớn của đất nước làm ngày sinh, vừa dễ nhớ, vừa ý nghĩa. Bà Nhung được Hội đồng cha mẹ lấy ngày thành lập Đội TNTP (15-5) làm ngày sinh, năm sinh là 1945.

Năm 1964, bà Nhung tốt nghiệp lớp 10, sau đó được đi học khóa 1, Trường Trung cấp Tài chính-Kế toán ở Bắc Thái. Học xong, bà về công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn. Năm 1972, bà chuyển công tác về Nông trường quốc doanh Cao Phong (thuộc Ty Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình). Năm 1976, bà Nhung chuyển công tác vào Gia Lai, làm ở Công ty Cơ giới nông nghiệp (thuộc Ty Nông nghiệp tỉnh Gia Lai-Kon Tum). Thời gian công tác tại Gia Lai, bà đã xung phong đi nhận nhiệm vụ ở nhiều huyện khó khăn của tỉnh. Sau này, do sức khỏe giảm sút nên bà Nhung xin nghỉ chế độ từ năm 1982.

Khi chúng tôi hỏi về những giây phút được gặp Bác Hồ, bà Nhung kể: “Tôi học Trường Dân tộc Trung ương nên Bác Hồ thường ghé thăm vào những dịp như khai giảng năm học mới (5-9), ngày thành lập Đội TNTP (15-5), ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), nhưng hầu như lần nào cũng chỉ nhìn thấy Bác từ xa. Nhưng, có 2 lần tôi được ở gần bên Bác”.

Bà Nhung cho hay, dịp Quốc khánh năm 1958, bà Nhung vinh dự là một trong những học sinh chọn từ các trường đến Quảng trường Ba Đình tặng hoa cho Bác. “Chúng tôi mặc trang phục dân tộc, xếp hàng đứng dưới lễ đài, mỗi người ôm một bó hoa. Thấy Bác từ trên lễ đài đi xuống, các bạn đã chạy ùa về phía Bác để tặng hoa, chỉ còn tôi đứng lặng im nhìn Bác. Bác liền đi tới chỗ tôi hỏi: “Cháu tên gì, dân tộc nào?”. Tôi thưa với Bác: “Cháu tên là Nhung, dân tộc Vân Kiều ạ”. Bác nói với tôi, Bác cho người Vân Kiều mang họ Hồ của Bác, vậy cháu cũng mang họ Hồ nhé”.

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 (không nhớ rõ năm), Bác mời một số cháu học sinh Trường Dân tộc Trung ương tới thăm Phủ Chủ tịch. Bà Nhung hồi tưởng: “Khi biết ngày mai được gặp Bác, đêm hôm đó, tôi không sao ngủ được, vui sướng xen lẫn hồi hộp. Sáng hôm sau, xe đưa chúng tôi vào Phủ Chủ tịch, xuống xe đã thấy Bác từ trên bậc thang bước xuống đón. Bác mặc bộ quần áo ka ki đã bạc màu, chân đi dép cao su. Chúng tôi được các cô chú phục vụ phát bánh mì ăn sáng, sau đó đi tham quan Phủ Chủ tịch, ăn trưa với Bác. Buổi chiều, Bác mời chúng tôi xem phim hoạt hình do Trung Quốc sản xuất. Ai nấy đều thích thú vì lần đầu tiên được xem hoạt hình, sau đó xe đón chúng tôi trở về trường”.

Theo năm tháng, những “hạt giống đỏ” của Trường Dân tộc Trung ương dần trưởng thành, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, cán bộ chủ chốt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Với bà Nhung, bà đã mang kiến thức và nhiệt huyết từ miền Bắc vào xây dựng quê hương Gia Lai từ những ngày đầu sau giải phóng theo lời dặn của Bác Hồ đối với học sinh miền Nam. Và, trong trái tim bà, ký ức về những lần gặp Bác vẫn vẹn nguyên.

Có thể bạn quan tâm