Du lịch

Khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 2,35 triệu lượt người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Toàn ngành du lịch vẫn đang tích cực xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vào những tháng cao điểm từ tháng Chín năm trước đến tháng Tư năm sau.

 
Du khách thích thú với sự đón tiếp nồng hậu từ Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Du khách thích thú với sự đón tiếp nồng hậu từ Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)


Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/10, tính chung 10 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,35 triệu lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Riêng trong tháng 10/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 12,1% so với tháng trước.

Trong tổng số hơn 2,35 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách đến bằng đường hàng không chiếm 88,8%, gấp 24,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến bằng đường bộ chiếm gần 11,2% và bằng đường biển chiếm 0,03%.

Theo thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng của năm 2022 ước đạt 467.100 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2022 ước đạt 19.700 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước.

Toàn ngành du lịch vẫn đang tích cực xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vào những tháng cao điểm từ tháng Chín năm trước đến tháng Tư năm sau. Trong số đó, Ấn Độ được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ấn Độ là một trong 10 quốc gia có lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam lớn nhất từ đầu năm đến nay. Lượng tìm kiếm về hàng không đầu tháng 4/2022 tăng 400% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục tăng đột biến trên 3.000% vào tháng Năm. Đây thật sự là “cơ hội vàng” để Việt Nam khai thác thị trường khách đầy tiềm năng này.

Từ sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch, thị trường nội địa tăng trưởng ngoài dự đoán, nhất là vào dịp Hè, cao hơn cả thời điểm năm 2019 khi chưa có dịch COVID-19 nhưng thị trường khách quốc tế phục hồi khá chậm.

Trong khi thị trường Trung Quốc chưa mở lại, thị trường Nga vẫn ảnh hưởng do chiến tranh, dịch bệnh, khách Hàn Quốc đã bắt đầu quay lại, các thị trường Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có khách thì thị trường khách Ấn Độ vẫn được kỳ vọng phát triển ổn định, bền vững, có thể bù đắp khoảng trống khách quốc tế hiện nay.

Dự kiến, đầu năm 2023, Trung tâm thông tin và Xúc tiến du lịch Quảng Nam sẽ tổ chức một chương trình roadshow giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Nam tại New Delhi...

Với các thị trường quốc tế khác, Việt Nam cũng đang tích cực quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các chương trình, sản phẩm du lịch mới.

Trong tháng 10/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 với chủ đề “Tái thiết ngành du lịch, Kiên cường phục hồi du lịch” với sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong (MTCO), hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 đã thể hiện tốt vai trò gắn kết, làm mới quan hệ giữa các bên sau giai đoạn khó khăn của ngành du lịch, tìm ra các giải pháp, sáng kiến kết nối, thu hút khách du lịch đến với các quốc gia thành viên trong khu vực.

Với việc tổ chức thành công diễn đàn, Việt Nam thể hiện cam kết tiếp tục cùng các thành viên của Tiểu vùng sông Mekong tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, vì mục tiêu tăng trưởng du lịch nội khối, thu hút khách quốc tế, góp phần phục hồi, phát triển du lịch khu vực trong bối cảnh mới.

Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm