Kinh tế

Doanh nghiệp

Khai mở cơ hội hợp tác đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Thái Lan vừa có chuyến thăm, nghiên cứu tiềm năng nông nghiệp, phát triển hợp tác xã tại tỉnh ta. Dù chưa có “cái bắt tay” chính thức song đây cũng là dịp để khai mở cơ hội hợp tác đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với các doanh nghiệp nước bạn trong thời gian đến.
Đoàn chuyên gia đến tỉnh Gia Lai gồm các ông: Matsuda Masahiro-chuyên gia tư vấn HTX nông nghiệp, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế thuộc Liên đoàn HTX Nông nghiệp Nhật Bản, nguyên cố vấn trưởng Dự án tăng cường chức năng HTX nông nghiệp tại Việt Nam (Dự án JICA); Wichien Tanthammaroj-chuyên gia tư vấn HTX nông nghiệp, nguyên Cục trưởng Cục Xúc tiến HTX, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Cục Xúc tiến HTX, Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan); Ineyama Hiromasa-Giám đốc Công ty Du lịch Nokyo (trực thuộc Liên đoàn HTX Nông nghiệp Nhật Bản), là công ty chuyên tổ chức các tour du lịch cho thành viên HTX Nông nghiệp Nhật Bản đi các nước; Kimura Yoshihisa-cố vấn trưởng bộ phận kết nối kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Dự án JICA Việt Nam), cố vấn chính sách nông nghiệp tổng hợp và PTNT (Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam).
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa phải) tặng quà cho các thành viên trong đoàn. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa phải) tặng quà cho các thành viên trong đoàn. Ảnh: Hồng Thi
Ấn tượng mảnh đất giàu tiềm năng
Làm việc với đoàn chuyên gia, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã giới thiệu một số tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển nông nghiệp và du lịch. Theo đó, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 ở Việt Nam với hơn 15.500 km2; trong đó đất đỏ bazan chiếm gần 2/3, phù hợp để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: hồ tiêu, cà phê, cao su… Hiện nay, diện tích cà phê của tỉnh khoảng 94.000 ha, hồ tiêu xấp xỉ 18.000 ha, cao su gần 100.000 ha. Diện tích rừng của tỉnh cũng tương đối lớn, có thể phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; đồng thời thích hợp phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, đáng chú ý là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được công nhận là Vườn Di sản ASEAN và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng với nhiều thác, suối và hồ tự nhiên đẹp. Gia Lai còn có điều kiện phát triển du lịch văn hóa-lịch sử tại Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn; du lịch văn hóa với 34 dân tộc anh em cùng sinh sống…
Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Thái Lan tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế nông nghiệp ở huyện Ia Grai. Ảnh: Hồng Thi
Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Thái Lan tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế nông nghiệp ở huyện Ia Grai. Ảnh: Hồng Thi
Đón nhận các thông tin trên, các chuyên gia đã bày tỏ sự ấn tượng trước những tiềm năng mà mảnh đất cao nguyên Gia Lai sở hữu. Trước đó, dưới sự giới thiệu, hỗ trợ của Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, Bộ Nông nghiệp và PTNT), mà trực tiếp là TS. Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm, đoàn chuyên gia đã có 3 ngày đi tham quan, làm việc, nghiên cứu thực tế tại các huyện: Chư Pưh, Kbang, Ia Grai và thị xã An Khê. Đoàn đã đến thăm vùng sản xuất hồ tiêu, một số vùng trồng cây ăn quả của huyện Chư Pưh; khảo sát vùng sản xuất rau, thăm Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo và Di tích khảo cổ Rộc Tưng ở thị xã An Khê; vùng sản xuất mía, cây dược liệu của huyện Kbang; vùng sản xuất cà phê ở huyện Ia Grai… Ngoài ra, tại từng địa phương, các chuyên gia cũng dành thời gian tìm hiểu tình hình hoạt động, phát triển của 1 HTX nông nghiệp trên địa bàn.
Tiến sĩ Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác-cho biết: Tới Gia Lai lần này, ngoài quan tâm đến hoạt động của các HTX nông nghiệp, đoàn chủ yếu tập trung nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh về cây trồng của địa phương, xem cây gì đang là lợi thế, có khả năng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hoặc thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Gia Lai. Qua chuyến khảo sát tại một số huyện, thị xã của tỉnh, các chuyên gia đánh giá, cơ hội đầu tư nông nghiệp và du lịch ở An Khê là khá lớn. Với vị trí địa lý thuận lợi, gần cảng biển Quy Nhơn, lại là vùng cửa ngõ phía Đông của tỉnh và khu vực Bắc Tây Nguyên, An Khê có đủ điều kiện trở thành vựa rau lớn của Gia Lai thay vì Pleiku. Nơi đây cũng có thể quy hoạch chợ đầu mối về nông sản. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo cũng là vấn đề khá hấp dẫn. Ngoài ra, còn có thể đầu tư, phát triển cây dược liệu ở huyện Kbang. Các chuyên gia còn đặc biệt quan tâm đến huyện Chư Pưh với các vườn hồ tiêu và sầu riêng, có thể tổ chức đưa nông dân Nhật Bản (thành viên HTX Nông nghiệp Nhật Bản) sang du lịch, thu hái hồ tiêu. Huyện Ia Grai với sản phẩm cà phê thơm ngon, đậm vị cũng là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút.
Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ đánh giá: “Sau khi được thị xã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển nông nghiệp và du lịch văn hóa-lịch sử, các chuyên gia đã dành sự quan tâm đến chính sách ưu đãi đầu tư, giá thuê đất, nguồn nhân công, thị trường, lộ trình giao thông… Dù đây chỉ mới là chuyến khảo sát song đã góp phần quảng bá hình ảnh An Khê nói riêng, Gia Lai nói chung đến gần hơn với các doanh nghiệp Nhật Bản, tạo cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch”.
Còn Bí thư Huyện ủy Ia Grai Nguyễn Hữu Quế thì cho rằng, chương trình đã tạo sự kết nối giữa huyện và các chuyên gia Thái Lan, Nhật Bản. Sau khi làm việc với lãnh đạo huyện, đoàn đã đến tham quan HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung), trực tiếp thưởng thức cà phê của địa phương và có nhận xét tích cực. Đoàn chuyên gia cũng dự kiến sẽ tổ chức 2 hội nghị trong tháng 3 năm nay tại huyện nhằm giúp huyện tìm giải pháp thúc đẩy mô hình HTX hoạt động, phát triển theo đúng kiểu mới; kêu gọi các nhà cung ứng vật tư nông nghiệp trên toàn quốc về tư vấn, giới thiệu sản phẩm cho nông dân. Thông qua chuyến khảo sát của các chuyên gia, hy vọng sắp tới, các HTX của huyện sẽ chuyển đổi mạnh mẽ hơn; quảng bá thương hiệu một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn như: cà phê Ia Sao, bơ Ia Grai, cá lăng hồ Sê San, chôm chôm Ia Châm… đến doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ và người dân ở các nước này.
Gợi mở nhiều vấn đề mới
Bên cạnh giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng thẳng thắn chia sẻ với các chuyên gia về một số khó khăn mà địa phương đang gặp phải. Đó là các HTX kiểu mới phát triển còn manh mún, tổ chức hoạt động chưa chặt chẽ; giá trị sản xuất đạt được trên một đơn vị diện tích còn thấp; lao động ở tỉnh dồi dào nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường tiêu thụ nông sản còn gặp khó… Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các thành viên trong đoàn giúp đỡ, tư vấn để tỉnh xây dựng, phát triển các mô hình HTX tương tự như Nhật Bản và Thái Lan; tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ ở các nước bạn và giới thiệu các thành viên HTX ở Gia Lai sang tham quan các HTX tại Thái Lan, Nhật Bản; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm chức năng từ cây dược liệu…
Đoàn chuyên gia khảo sát thực tế tại thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Phương
Đoàn chuyên gia khảo sát thực tế tại thị xã An Khê. Ảnh: Nguyễn Phương
Tiếp lời Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, TS. Trần Minh Hải thông tin, trong chuyến đi thực tế tại một số địa phương trong tỉnh, các chuyên gia chia sẻ rằng, những nơi này trù phú, hấp dẫn là thế nhưng khi tìm kiếm trên bản đồ địa lý thì không thấy thông tin. Vì vậy, tỉnh cần có một sơ đồ, bản đồ chỉ dẫn tóm tắt thể hiện trên đó tất cả những thế mạnh của mình kèm theo các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Ngoài ra, qua khảo sát các HTX về số lượng thành viên, vốn góp, hoạt động kinh doanh, vai trò quản lý của nhà nước…, các chuyên gia nhận thấy mô hình HTX ở Gia Lai vẫn còn nhiều hạn chế. Hợp tác xã phải xây dựng theo đúng mô hình của thế giới. Tuy là một tổ chức kinh tế nhưng bên cạnh phát triển kinh tế, HTX cũng phải phát triển cộng đồng, phải cung ứng dịch vụ. Hơn nữa, HTX phải có nhiều người để tận dụng lợi thế mua chung, bán chung. Theo các chuyên gia, tỉnh nên xem HTX là một mắt xích quan trọng trong quá trình tái cơ cấu và phát triển. Hợp tác xã phải trở thành một đối tác của chính quyền ở địa phương, là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Matsuda Masahiro chia sẻ: Việc phát triển HTX nếu mang tính tự nguyện, tự giác của cả cộng đồng thì ắt sẽ thành công. Nhật Bản có lịch sử phát triển HTX trên 100 năm, mạnh nhất là giai đoạn kết thúc thế chiến thứ 2, nhưng hầu hết đều thất bại vì thiếu sự tự nguyện, tính cạnh tranh thấp. “Khi đến Việt Nam, tôi thấy có những người lãnh đạo HTX còn khá trẻ. Đây là nhân tố mới, cần phát huy và bồi dưỡng để tiếp tục thúc đẩy HTX phát triển. Bên cạnh đó, việc tham gia quản lý của chính quyền đối với HTX cũng quan trọng không kém vì có thể hỗ trợ, giúp đỡ HTX phát triển bền vững ở giai đoạn đầu, sau đó mới từ từ “thoát ra”. Đến nay, Nhật Bản vẫn còn trên 3.000 cán bộ chuyên trách, Thái Lan có hơn 4.000 cán bộ chuyên trách ngày ngày đi tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ rồi cùng tự nguyện tham gia mô hình HTX. Vì thế, tỉnh Gia Lai cũng nên có một bộ phận chuyên sâu như vậy để tư vấn, tuyên truyền, vận động phát triển HTX kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát. Đội ngũ này nên tổ chức hoạt động riêng biệt, không dựa vào Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Liên minh HTX tỉnh”-ông Matsuda Masahiro tư vấn.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm