Du lịch

Khám phá bí ẩn di tích đồi A Bia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đồi Thịt Băm (Hamburger hill) hoặc cao điểm 937 theo cách gọi của người Mỹ và đỉnh A Bia của người dân bản địa thu hút ngày một đông du khách trong và ngoài nước bởi những câu chuyện liên quan đến chiến tranh, cả trong lịch sử lẫn sự chuyển mình từ huyền thoại.

Địa danh chấn động trời Tây

 

 Một góc nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia.
Một góc nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia. Ảnh: Bùi Oanh

Từ xã Hồng Bắc, nơi UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đầu tư một tuyến đường khá rộng dẫn tới chân núi. Từ đây, chinh phục 853 bậc cấp với chiều dài 1.567 mét và lên tới đỉnh A Bia, một hành trình ngắn nhất nhưng phải trải qua sự thử thách là những con dốc ngày càng nhiều, ngoằn ngoèo, trơn trợt và độ dốc càng khủng khiếp. Càng vào sâu và lên cao, sự bí ẩn của núi rừng càng trở nên hấp dẫn, nhất là bắt đầu nghe được tiếng chim rừng kêu, khám phá những cây cỏ lạ và đặc biệt là những dấu tích chiến tranh còn lại. Len lỏi giữa đất đai và cây cỏ, thỉnh thoảng bắt gặp những mảnh bao cát hay đồ nhựa còn lại của lính Mỹ. Dưới những gốc cây còn có cả những đoạn công sự ngày nào. Thỉnh thoảng xuất hiện những biển chỉ dẫn, gợi nhớ về một ký ức xưa: Trạm xá A Bia, điểm rơi máy bay trực thăng Mỹ… Rồi nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về khu di tích đồi A Bia mới được khánh thành và đưa vào phục vụ khách tham quan đã dần hiện rõ. Qua 78 ảnh tư liệu và 36 hiện vật giới thiệu tại nhà trưng bày phần nào tái hiện lại sự khốc liệt của chiến tranh dù đã lùi xa cách ngày nay hơn 40 năm.

A Bia là điểm cao nhất (937 mét so với mặt nước biển) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào. Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 mét. Tại đây, sau thất bại trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn Thừa Thiên-Huế, trong đó cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới. Địch chọn A Bia làm địa điểm tập kết quân, gồm 13 tiểu đoàn Mỹ-Ngụy kết hợp với lực lượng không quân, pháo binh, xe tăng yểm trợ, hòng đẩy quân ta ra sát biên giới Việt-Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược của ta. Song lợi dụng địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt rừng núi, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt 1.500 tên, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh.

 

Những cựu chiến binh từng làm nên chiến thắng huyền thoại ở đồi A Bia chụp ảnh lưu niệm tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia. Ảnh: Bùi Oanh
Những cựu chiến binh từng làm nên chiến thắng huyền thoại ở đồi A Bia chụp ảnh lưu niệm tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia. Ảnh: Bùi Oanh

Ông Hồ Mạnh Khóa-nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới nhớ lại, A Bia trở thành biểu tượng chiến thắng và sự hy sinh xương máu của quân và dân ta, nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cách khác, A Bia được xem là hình ảnh thu nhỏ của cuộc chiến tranh Việt Nam, kể cả mức độ ác liệt của chiến tranh, sự leo thang hiếu chiến của quân địch và sự thất bại thảm hại của quân đội viễn chinh Mỹ.

Vẫy gọi du khách

Sau bao thăng trầm dâu bể, ít ai có thể ngờ rằng đồi Thịt Băm (Hamburger hill) từng là nỗi khiếp đảm, “địa ngục trần gian” đối với lính Mỹ nay đã thay bằng một màu xanh mới tràn trề nhựa sống. Đồi A Bia huyền thoại trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng trên dãy Trường Sơn. Một con đường bê tông dài 3,5 km, nối từ trung tâm xã Hồng Bắc đến đồi A Bia để phục vụ khách du lịch chinh phục quả đồi này. Tại khu vực đỉnh đồi, địa điểm sân bay trực thăng A Bia cũ đã được dựng một nhà bia tưởng niệm. Còn tất cả đều là rừng già. Ở góc đông nhà bia vài người phát hiện điểm vọng cảnh lý tưởng. Từ đây có thể phóng tầm mắt xuống thị trấn A Lưới, nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh, bao bọc bởi trùng điệp núi rừng. Chợt nhận ra lý do tồn tại cái tên đồi Thịt Băm và vị trí chiến lược của nó trong chiến tranh...

 

Những người lính Mỹ tham chiến tại đồi A Bia vào năm 1969- ảnh tư liệu tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia.
Những người lính Mỹ tham chiến tại đồi A Bia vào năm 1969-ảnh tư liệu tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia.

Ông Hồ Xuân Trăng-Chủ tịch UBND huyện A Lưới phấn khởi, đồi A Bia nay trở thành di tích lịch sử thu hút ngày một nhiều khách du lịch hoài niệm về chiến trường xưa, cũng như những người trẻ muốn chinh phục và tìm hiểu về quá khứ hào hùng của cha ông.

Đặc biệt khi màn đêm buông xuống, lửa trại bập bùng du khách sẽ có dịp giao lưu với người dân bản địa. Từ trẻ em, trai làng đến các mẹ, các chị và cả người già, ai cũng niềm nở, nhiệt tình với khách. Khoảnh sân của nhà nghỉ cộng đồng như vỡ ra trong tiếng hát, tiếng cười và tiếng vỗ tay. Chủ và khách cùng ca hát, nhảy múa tưng bừng. Giây phút ấy, dường như đất trời đã hòa làm một, lòng người miền xuôi và miền ngược cũng hòa làm một. Những điệu múa truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Tà Ôi, những giai điệu trầm bổng của tiếng khèn, tiếng sáo kéo mọi người xích lại gần nhau, không còn khoảng cách. Bình rượu Đoác đầy rồi lại vơi, cứ thế chủ và khách say sưa ca hát. Không có hoa, mọi người hái những bông hoa dại, cành lá rừng tặng nhau. Đơn sơ, mộc mạc nhưng không kém phần thú vị.

Ngoài ra, đường Hồ Chí Minh cùng quốc lộ 49 nối trung tâm huyện A Lưới với TP. Huế và cửa khẩu quốc gia sang tỉnh Salavan, mai kia có thêm cửa khẩu sang tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, đã tạo ra hạ tầng cơ bản cho phát triển kinh tế du lịch. Qua đó, du khách có thể dễ dàng khám phá vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ với dãy rừng nguyên sinh đan xen những địa đạo và hệ thống hang động đã vang danh trong các trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như: A Đon, A Nôr, A Púc, A Ting, Còng A Pó, Động So A Túc, Cà Vá, Động Tiên Công, Kòng…

 

Những người lính Mỹ tham chiến tại đồi A Bia vào năm 1969- ảnh tư liệu tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia.
Ảnh tư liệu tại nhà trưng bày các hiện vật, kỷ vật về Khu Di tích Lịch sử quốc gia đồi A Bia.

Đường Hồ Chí Minh chằng chịt hố bom đạn năm xưa, nay đã khoác chiếc áo mới, sinh khí mới toát ra từ những đô thị giữa đại ngàn Trường Sơn. Đặc biệt, với đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống bên dãy Trường Sơn hùng vĩ ở huyện A Lưới thì cung đường này hoàn thành đã giúp họ tiếp cận và dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, du lịch và dịch vụ. Minh chứng là lượng khách nước ngoài tham quan các di tích lịch sử ở A Lưới ngày càng đông hơn. Họ là những cựu binh Mỹ hay những du khách đến từ các nước Anh, Úc… tham quan để biết và hiểu thêm về cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân Việt Nam.

Dẫu phong cách phục vụ của đồng bào chưa được chuyên nghiệp nhưng hầu hết du khách không vì vậy mà thấy phiền lòng. Bởi du lịch “home stay” nên du khách không cần sự chuyên nghiệp mà thích bà con giữ nguyên bản sắc văn hóa, những gì họ vốn có.

Mới đây 30 thành viên trong đoàn Famtrip do ông Lã Quốc Khánh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn cùng đại diện các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo các công ty lữ hành hàng đầu tại thành phố này và các phóng viên báo, đài truyền hình đi khảo sát một số điểm du lịch dọc cung đường Trường Sơn nhằm xây dựng một số sản phẩm du lịch để phục vụ du khách về thăm lại chiến trường xưa. Đoàn đã khảo sát di tích đồi A Bia, đồng thời tổ chức giao lưu với các cựu chiến binh huyện và bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi tại xã Nhâm và Hồng Bắc. Qua đó, các doanh nghiệp lữ hành đến từ thành phố mang tên Bác sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách về thăm lại chiến trường xưa.

 Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm