Chợ phiên Cán Cấu họp ngay ven đường tỉnh 153 - con đường duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên giới Si Ma Cai. Quanh chợ là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào các dãy núi Tây Bắc hùng vĩ, trùng điệp ngút tầm mắt.
Chợ thường họp vào thứ Bảy hàng tuần và các ngày lễ, Tết trong năm, kéo dài từ sáng sớm đến quá trưa. Đến chợ chủ yếu là người các dân tộc Mông Hoa và người Giáy.
Chợ họp khá sớm, chỉ tầm 7 giờ sáng là đã đông đúc, chợ được chia thành nhiều khu vực bày bán nhiều hàng hóa từ các nông sản địa phương do đồng bào vùng cao mang xuống trao đổi, mua bán tại chợ.
Các sản vật chủ yếu ở chợ là nông sản, thổ cẩm, váy áo, mía, mật ong, rượu, ngô và đặc biệt là trâu.
Những mặt hàng thổ cẩm ở đây luôn thu hút sự chú ý của du khách vì vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ.
Những người dân tộc gặp nhau giữa chợ, dừng lại hỏi thăm nhau, vui vẻ nói cười làm không khí thêm phần nhộn nhịp.
Tuy là chợ nông thôn nhưng hàng hóa ở chợ Cán Cấu phong phú và đa dạng.
Những người dân tộc đến chợ Cán Cấu như thói quen, cứ mỗi thứ Bảy là bà con các bản lại rủ nhau đi chợ từ rất sớm. Họ đến chợ để mua bán, giao lưu, gặp bạn ở các bản xa tụ họp về đây, hỏi han sức khỏe, trao đổi cách làm ăn.
Chợ có riêng một khu để bán đồ ăn. Khu đồ ăn chủ yếu bán phở, một loại phở màu hồng đặc trưng của Tây Bắc cùng vô số loại thịt.
Có đến tận nơi mới thấy được không khí náo nhiệt và đậm chất của phiên chợ vùng cao nơi đây.
Mỗi quán ăn bán một loại đồ ăn khá đơn giản, nào thắng cố, phở vùng cao, cháo, có quán chỉ bán thịt lợn luộc với rượu ngô đủ để các anh hàn huyên say khướt cho tới khi tàn buổi chợ.
Có thể nói, đây là chợ trâu lớn nhất Tây Bắc, mỗi phiên có tới hàng trăm con trâu được người dân và các thương lái đưa về chợ.
Thế nhưng những năm gần đây, không hiểu sao số lượng trâu đưa về đây ngày một ít đi. Du khách sẽ không còn thấy cảnh hàng ngàn con trâu đứng đen đặc cả một quảng trường.
Những đứa trẻ dân tộc được bố mẹ đưa xuống chợ chơi.
Phạm Hương/TTXVN