Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Khám phá tên lửa tấn công không dùng thuốc nổ của Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mới đây, tướng Qassem Soleimani thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran đã bị Mỹ sát hại bằng không kích sử dụng tên lửa tại Iraq.
 

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper được trang bị 2 tên lửa Hellfire để diệt các mục tiêu mặt đất - Ảnh: Wikipedia
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper được trang bị 2 tên lửa Hellfire để diệt các mục tiêu mặt đất - Ảnh: Wikipedia



Theo tin của báo New York Post, cũng tương tự như nhiều vụ không kích tiêu diệt các phần tử khủng bố Hồi giáo, Mỹ đã dùng máy bay không người lái MQ-9 Reaper bắn tên lửa AGM-114 Hellfire vào xe chở tướng Soleimani.

Tên lửa AGM-114 Hellfire là loại dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất, bay với vận tốc 1.600 km/giờ, tầm bắn 8 km, nặng 50 kg với đầu đạn chứa 9 kg chất nổ nhiệt áp, trang bị hệ thống ngắm mục tiêu bằng laser. Loại tên lửa này do hai hãng Lockheed Martin và Boeing sản xuất, giá mỗi chiếc là 65.000 USD (1,5 tỉ đồng). Đây là loại tên lửa tấn công được sử dụng từ năm 1989, hiện nay quân đội của 29 quốc gia trên thế giới đang sử dụng loại tên lửa này. Hellfire có nhiều biến thể khác nhau được thiết kế chuyên biệt để tấn công một loại mục tiêu nhất định: con người, xe tăng và thiết giáp, căn cứ quân sự, tàu bè, nhà cửa kho tàng…


 

 Ảnh chụp tại hiện trường cho thấy sức công phá dữ dội của Hellfire AGM-114 (trái). Ảnh bên phải cho thấy Hellfire R9Q đã xuyên qua nóc xe và diệt hai tên khủng bố HTAS ở Syria mà không phá hủy chiếc xe. - Ảnh chụp màn hình trang Twitter của điều tra viên Nick Waters
Ảnh chụp tại hiện trường cho thấy sức công phá dữ dội của Hellfire AGM-114 (trái). Ảnh bên phải cho thấy Hellfire R9Q đã xuyên qua nóc xe và diệt hai tên khủng bố HTAS ở Syria mà không phá hủy chiếc xe. - Ảnh chụp màn hình trang Twitter của điều tra viên Nick Waters



Nhưng dù được thiết kế để có phạm vi sát thương nhỏ, tránh gây tổn hại cho thường dân ở gần mục tiêu, sức công phá của đầu đạn Hellfire vẫn là khá lớn và không tránh khỏi gây nên những tổn thất sinh mạng ngoài dự kiến, thuật ngữ quân sự gọi là ‘collateral damage’. Điều này sẽ tạo nên những phản ứng dữ dội của chính phủ nước sở tại nơi xảy ra vụ không kích, công luận quốc tế cũng lên tiếng phản đối khi có thường dân vô can bị thiệt mạng trong các vụ không kích.

Theo tin của báo Wall Street Journal, để hạn chế đến mức tối đa các tổn thương nhân mạng ngoài dự kiến, Cơ quan Tình báo Mỹ - CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ đã nghiên cứu phát triển loại tên lửa tấn công Hellfire thế hệ mới, không có chứa thuốc nổ. Loại Hellfire mới này có ký hiệu R9X, có chứa 6 chiếc cánh thép dài, khi xuyên qua lớp vỏ bao che như tường nhà hoặc vỏ thép xe ô tô nơi mục tiêu đang hiện diện, các cánh thép sẽ bung ra và ‘băm chém’ nát. Nhờ hệ thống dẫn đường tối tân bằng tia laser, Hellfire R9X có khả năng đánh trúng một chiếc ô tô đang di chuyển trên đường hoặc một căn phòng trong nhà mà không chệch ra ngoài.



 

Bản vẽ mô tả loại Hellfire R9Q với 6 lá thép dài xếp dọc theo thân và sẽ bung ra khi tên lửa đã xuyên qua lớp vỏ bao che mục tiêu - Ảnh chụp màn hình Wall Street Journal
Bản vẽ mô tả loại Hellfire R9Q với 6 lá thép dài xếp dọc theo thân và sẽ bung ra khi tên lửa đã xuyên qua lớp vỏ bao che mục tiêu - Ảnh chụp màn hình Wall Street Journal




Hellfire R9X được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 2.2017 để tiêu diệt Abu Khayr Al Masri, nhân vật số 2 của tổ chức khủng bố Al Qaeda ở Syria. Khi đó Al Masri đang lái xe vào thành phố Al Mastouma thì bị tên lửa xuyên thủng nóc xe và băm nát người. Vụ mới nhất là vào tháng 1.2019, hai kẻ khủng bố thuộc nhóm Hồi giáo cực đoan Hayat Tahrir Al Sham (HTAS) ở Syria, cũng đã bị tiêu diệt bằng Hellfire R9X khi đang lái xe gần thành phố Idlib.

Hai quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận với Wall Street Journal việc triển khai tên lửa Hellfire R9X và các vụ tiêu diệt khủng bố bằng loại tên lửa ‘chặt chém’ này. Nhưng theo bà Sarah Holewinski, cố vấn pháp lý cho Bộ Quốc phòng Mỹ thì không nên công bố rộng rãi thông tin về loại Hellfire R9X. Theo bà Holewinski, nếu người dân biết về loại vũ khí không gây tổn thất ngoài dự kiến này thì họ sẽ chủ quan, không tránh xa các phần tử khủng bố và có thể sẽ là nạn nhân của cuộc không kích.


 

Chiếc ô tô chở tướng Qassem Soleimani chỉ còn là đống sắt vụn sau khi trúng tên lửa Hellfire. - Ảnh: Telegraph.co.uk
Chiếc ô tô chở tướng Qassem Soleimani chỉ còn là đống sắt vụn sau khi trúng tên lửa Hellfire. - Ảnh: Telegraph.co.uk


Trong trường hợp của tướng Qassem Soleimani, theo nhận định của một số nhà phân tích chính trị, phía Mỹ không dùng Hellfire R9X mà dùng loại chứa thuốc nổ AGM-114. Lý do có thể là để đề phòng R9X bắn lệch mục tiêu và bị phía Iran thu được. Hơn nữa, một vụ nổ phá tan nát chiếc xe chở Soleimani sẽ gây ấn tượng tâm lý cực mạnh về cú ra đòn 'tàn khốc' của Mỹ đối với đối phương.
 

Theo Đồng Phước (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm