Nhờ tục ngủ thăm nên vợ chồng ông Tâm sống hạnh phúc trong nhiều năm qua |
Với người dân tộc Thái các tỉnh phía Bắc nói chung và tại xã Ea Kuêh (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) nói riêng, tục ngủ thăm không chỉ mang ý nghĩa chúc cho người ốm mau khỏi bệnh mà còn là sợi dây kết nối vô hình để bà con chòm xóm có dịp chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.
Một điều đặc biệt trong nét văn hóa này là qua những lần ngủ thăm, con trai Thái còn có điều kiện tìm hiểu và chọn cho mình một người vợ tương lai…
Ngủ thăm để gắn kết cộng đồng
Năm 1991, rời khỏi quê xứ Nghệ, ông Lô Văn Hợi (SN 1952) cùng gia đình vào mảnh đất rừng bạt ngàn thuộc xã Ea Kuêh (huyện Cư Mgar) lập nghiệp. Vào vùng đất mới với cơ man đất đai màu mỡ, ông Hợi chăm chỉ khai hoang, dựng sinh sống. Qua vài năm cần cù làm ăn, ông Hợi dần dà có của ăn của để.
Từ nghề trồng cà phê, hồ tiêu mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hợi mạnh dạn quay trở về quê hương đánh tiếng mời vài gia đình người Thái tại huyện Tương Dương (tỉnh Nghệ An) cùng vào Đắk Lắk mưu sinh. Thời gian trôi qua, số người đồng bào Thái tại xã Ea Kuêh ngày một xôm tụ, đông đúc.
Từ những ngày rời quê hương đi làm ăn, ông Hợi và những người dân tộc Thái luôn đau đáu ước mong làm sao để con cháu người Thái vừa làm ăn, phát triển kinh tế vừa giữ văn hóa dân tộc của đồng bào. Ngày thành lập làng, ông Hợi cùng những người trong thôn buôn cũng tập hợp lớp thanh niên để dạy múa xòe, múa sạp… Ngoài ra, trong đời sống tinh thần của đồng bào Thái tại xã Ea Kuêh còn duy trì tục ngủ thăm.
Ông Ngô Văn Dậu (SN 1965), buôn trưởng buôn Thái cho biết, xuất phát từ những khó khăn trong cuộc sống, đêm về là anh em họ hàng người đồng bào Thái thường đến nhà nhau ngủ thăm để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
Tục ngủ thăm có quy định bất thành văn là trước khi đi ngủ, khách đến chơi nhà thường dành thời gian trút bầu tâm sự, chia sẻ những vướng mắc của mình trong công việc đồng áng hằng ngày. Lắng nghe những lời tâm sự của khách, gia chủ sẽ động viên, tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh ý nghĩa trên, tục ngủ thăm còn mang ý nghĩa cầu chúc cho người bệnh mau khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi để cuộc sống được bình yên, hạnh phúc. Ông Lương Hồng Tâm (SN 1948, trú buôn Thái) kể: Trong buôn nếu có người ốm nặng thì bà con sẽ chọn ra một người (không kể giới tính, lứa tuổi) khỏe mạnh đến ngủ thăm nhà người bị ốm.
Ngoài ý nghĩa hỏi thăm sức khỏe, người được chọn đến ngủ thăm phải có nhiệm vụ buộc sợi dây được kết bằng chỉ đen vào tay của người bị ốm. Để lễ buộc dây mang lại kết quả, anh em, con cháu trong nhà sẽ làm thịt gà, heo để cúng trời đất phù hộ dân làng.
Ngủ thăm kén vợ
Cũng nhờ tục ngủ thăm mà các chàng trai, cô gái Thái tìm được một nửa đích thực của mình. Những người Thái cao tuổi tại xã Ea Kuêh kể lại, khi đến tuổi cặp kê, sau một thời gian tìm hiểu, cô gái Thái nếu đồng ý sẽ ra tín hiệu cho người con trai về báo cho gia đình đến ngỏ lời.
Gia đình nhà trai sẽ nhờ ông mai, bà mối liên lạc với gia đình nhà gái thông báo về thời gian cụ thể đến chơi và định ngày làm đám hỏi (hay còn gọi là cưới nhỏ). Nhận lễ ăn hỏi của gia đình nhà trai, nhà gái hẹn ngày lành, tháng tốt cho chàng trai đến ngủ thăm nhằm tìm hiểu về người vợ và gia đình vợ tương lai.
Theo lời kể ông Dậu, trong thời gian ngủ thăm, chàng trai và cô gái chỉ được trò chuyện chứ không được ngủ chung giường. Nhà gái sẽ sắp xếp một chỗ thích hợp để chàng trai nghỉ ngơi trong những đêm ngủ thăm tại nhà cô gái. Sau đêm đó, cô gái sẽ sang nhà chàng trai ngủ thăm trong vài đêm để tìm hiểu về tính cách, nề nếp, gia phong của gia đình nhà chồng tương lai. Khoảng nửa tuần trăng tìm hiểu gia đình hai bên, nếu cảm thấy hài lòng cả hai người sẽ tiến tới hôn nhân.
“Kể từ ngày cưới, cả hai mới chính thức được ngủ chung với nhau trong phòng riêng. Tuy vậy trong thực tế, không phải phải lần ngủ thăm nào cũng mang lại kết quả như mong muốn. Chẳng hạn nếu chàng trai thể hiện bản tính ham chơi, ăn nhậu, lăng nhăng, không lễ phép… thì gia đình cô gái sẽ khuyên con gái mình bỏ khi chưa kịp cưới. Để cứu vãn mối nhân duyên của đôi trẻ, ông mai, bà mối sẽ đến khuyên răn, giáo dục cả hai bên.
Nếu như, đôi trẻ vẫn không hài lòng và cương quyết bỏ nhau thì hai bên gia đình và ông mai, bà mối cũng đành “lực bất tòng tâm”. Để tìm được hạnh phúc, cả hai lại quay về vạch xuất phát và tìm hiểu người tiếp theo” – ông Dậu giải thích.
Như trường hợp của bà Lương Thị An, vợ ông Tâm, nhờ tục ngủ thăm mà đôi vợ chồng có thời gian tìm hiểu để từ đó sống với nhau hòa thuận mấy chục năm qua. Bà An kể: Sau khi cưới về, bà còn ngủ thăm cùng các cô họ hàng bên nhà chồng để hiểu về lối sống của phía nhà chồng. Chính nhờ mất nhiều thời gian tìm hiểu thông qua tục ngủ thăm nên khi về ở chung, bà An cùng chồng luôn yêu thương, thông cảm cho nhau trong cuộc sống gia đình sau này.
"Nét đẹp của tục ngủ thăm được nhiều thế hệ người Thái chúng tôi duy trì. Tuy nhiên, hiện nay do bị ảnh hưởng nhiều từ văn hóa phương Tây nên lớp trẻ dần quên đi những tục lệ truyền thống. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tổ chức đám cưới và sinh con mà không hề trải qua giai đoạn ngủ thăm" - bà An trăn trở.
Lộc Bình (LĐO)