Bạn đọc

Khẩn trương điều tra vụ phá rừng tại Ia Rsai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rừng thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Rsai (huyện Krông Pa) đang bị lâm tặc “rút ruột” với số lượng lớn. Chính những người quản lý bảo vệ rừng đang đối mặt với cơ quan điều tra về việc vận chuyển gỗ trái pháp luật.

 Khai thác gỗ trái phép tại Ia Rsai. Ảnh: Văn Ngọc
Khai thác gỗ trái phép tại Ia Rsai. Ảnh: Văn Ngọc

Ngày 15-12, UBND tỉnh cho biết đã ra văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Krông Pa phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại huyện Krông Pa, trong lâm phần Ban QLRPH Ia Rsai. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý bảo vệ rừng; xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định về phân cấp quản lý cán bộ hiện hành. Đồng thời, phải đề xuất các biện pháp quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Trước ngày 24-12, phải có báo cáo kết quả kiểm tra để UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu điều tra làm rõ việc ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc BQLRPH Ia Rsai vận chuyển 159 hộp gỗ với 9,818 m3, gồm gỗ hương, sao, gáo vàng... bị Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa bắt giữ ngày 26-11, tại khu vực thôn Quỳnh 3, xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa). Trong đó, chỉ có 4,555 m3 gỗ phù hợp với giấy tờ do ông Sơn cung cấp, 4,363 m3 sai khối lượng, chủng loại so giấy tờ kèm theo và 0,962 m3 có dấu búa kiểm lâm. Liên quan đến việc này, ông Sơn nói rằng: “Đây là gỗ thanh lý được doanh nghiệp cho lại mình”. Điều mâu thuẫn là, gỗ được bốc lên xe trong trụ sở BQLRPH Ia Rsai (huyện Krông Pa) nhưng giấy tờ xuất bán lại ở thị xã An Khê, cách trên 100 km.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng 16-12, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai Y Mới làm trưởng đoàn đã phối hợp với UBND huyện Krông Pa trực tiếp vào khu vực rừng bị phá để kiểm tra. Đoàn đã thống nhất triển khai 2 tổ kiểm tra thực địa hiện trạng phá rừng trái phép tại tiểu khu 1307 và 1325 thuộc lâm phần do BQLRPH Ia Rsai quản lý. Các tổ kiểm tra sẽ thực hiện việc kiểm đếm số cây gỗ bị chặt hạ trái phép, số gỗ còn lại tại hiện trường, đánh số cây, định vị và mô tả hiện trường, vị trí phá rừng, tính số gỗ bị thiệt hại… Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra sẽ làm việc với UBND xã Ia Rsai để xác minh thông tin có hay không việc chính quyền địa phương tiếp tay cho lâm tặc và làm việc với UBND xã về dư luận có cây xăng trên địa bàn bán xăng với số lượng lớn cho lâm tặc vào rừng chặt gỗ trái phép. Trao đổi với P.V, ông Y Mới cho biết đoàn sẽ tích cực điều tra xác minh làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân liên quan để báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT.

Trước đó, sau khi nghe thông tin về việc lâm tặc hoành hành tại BQLRPH Ia Rsai, chúng tôi đã đến hai tiểu khu 1307 và 1325-nơi được cho là “điểm nóng”. Dọc con đường mòn, có nhiều khúc gỗ vuông vắn nằm lăn lóc chờ vận chuyển. Hàng chục cây gỗ vừa bị đốn hạ nằm ngổn ngang với đường kính 50-70 cm. Đặc biệt, tại hai tiểu khu 1307, 1325 nhiều nơi bị phá tan hoang, cây cối xung quanh bật gốc, ngã nằm chồng nhau, nhiều cây gỗ được xẻ vuông, đẽo tròn nằm dưới đất. Dọc đường, từng tốp xe máy độ chế chở 2-4 lóng gỗ hộp dài 3-4 mét tìm cách tuồn ra ngoài. Trong khi tốp khác mang theo cưa lốc, xăng can dự trữ đi vào rừng.

Điều đáng nói là dù 3 trạm gác bảo vệ rừng của BQLRPH Ia Rsai nằm án ngữ xung quanh nhưng rừng vẫn bị đốn hạ. Người dân ở đây cho biết, mỗi ngày có rất nhiều lượt xe tải, xe máy độ chế chở cưa lốc, thức ăn vào rừng chặt phá các loại gỗ chủ yếu là hương, căm xe, cà chít, dầu… Mặc dù, lâm tặc ào ào chở gỗ chạy bên ngoài cạnh trụ sở UBND xã Ia Rsai và BQLRPH Ia Rsai nhưng không có bất kỳ sự can thiệp nào của hai cơ quan này. Giám đốc BQLRPH Ia Rsai Nguyễn Đình Sơn thì cho rằng, do lực lượng của BQLRPH quá mỏng, không có súng để trấn áp lâm tặc, trong khi diện tích rừng mà đơn vị quản lý khá lớn trên 17.000 ha.

Quang Tấn-Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm