Kinh tế

Tài chính

Khẩn trương giải ngân vốn vay để trả lương ngừng việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Gia Lai vừa ký kết hợp đồng và hỗ trợ 13 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Theo đó, 13 doanh nghiệp có quy mô kinh doanh nhỏ trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang hoạt động trong các lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ, xây dựng, xăng dầu, du lịch, giáo dục mầm non, nhà hàng… được tiếp cận sớm nhất chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bà Lê Thị Tuyết Sương-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đăng Sương (TP. Pleiku) chia sẻ: “Chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực đại lý và môi giới bảo hiểm. Thông qua kênh Hội Nữ doanh nhân tỉnh, chúng tôi biết đến chính sách hỗ trợ này của Chính phủ. Cán bộ tín dụng NHCSXH nhiệt tình hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục, kịp thời giúp Công ty giải quyết phần nào khó khăn trong thời điểm hiện nay”.

Phòng Giao dịch NNgân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang ký kết hợp đồng và giải ngân vốn vay trả lương ngừng việc cho doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Sơn Ca
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kbang ký kết hợp đồng và giải ngân vốn vay trả lương ngừng việc cho doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Sơn Ca

Tương tự, ông Dương Đình Kiệt-Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và phát triển hạ tầng Kbang-cho biết: “Chúng tôi gặp không ít khó khăn do thị trường bị thu hẹp, phải ngừng việc tạm thời nhưng vẫn phải chi trả lương để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Khi được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, chúng tôi rất phấn khởi. Ngay sau khi nhận được số tiền giải ngân, doanh nghiệp sẽ thực hiện chi trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc”.

Còn tại địa bàn huyện Chư Prông, chỉ trong thời gian ngắn triển khai, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục, chính thức ký kết hợp đồng vay vốn hỗ trợ 3 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho người lao động. Bà Lã Thị Duyên-Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Tuổi Hồng (huyện Chư Prông) cho hay: “Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhà trường phải tạm ngưng hoạt động. Nhà trường gặp khó khăn vì không có nguồn thu nhập để trả lương cho người lao động. Trong thời điểm này, nhà trường được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Prông cho vay trả lương ngừng việc cho người lao động trong tháng 6 và tháng 7”.

Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ, NHCSXH tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Công văn số 949/UBND-KTTH chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, UBND cấp huyện phối hợp với NHCSXH tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Chi nhánh cũng đã chủ động phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nắm bắt tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 phải cho người lao động tạm ngừng việc. Mặt khác, Chi nhánh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Nữ doanh nhân tỉnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, giúp doanh nghiệp hiểu rõ được quyền lợi khi gặp khó khăn do dịch Covid-19. Từ thực tế triển khai tại địa phương, bà Đinh Thị Thu Hiền-Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Kbang-thông tin: “Hiện nay, toàn huyện đã có 4 doanh nghiệp ký kết hợp đồng và được giải ngân vốn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình cho vay này trên địa bàn huyện”.

Đến cuối tháng 7-2021, NHCSXH tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ của 15 doanh nghiệp với tổng nhu cầu vay vốn hơn 661 triệu đồng. Đơn vị đã ký kết hợp đồng và giải ngân cho 13 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 73 lao động với số tiền hơn 470 triệu đồng. Còn lại 2 doanh nghiệp đang thẩm định hồ sơ. Ông Lê Văn Chí-Giám đốc NHCSXH tỉnh-cho biết: “Ngân hàng CSXH tỉnh đã quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Thời gian tới, Chi nhánh chỉ đạo các phòng giao dịch báo cáo UBND cấp huyện tăng cường chỉ đạo triển khai cho vay và phân công cán bộ tín dụng chủ động tiếp cận các doanh nghiệp để tuyên truyền nắm bắt nhu cầu vay vốn, sẵn sàng nguồn vốn để kịp thời giải ngân”.

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm