Điểm đến Gia Lai

Khánh thành Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 29-4, Sở Tài chính tổ chức lễ khánh thành Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai (1959-1975) tại làng Sơ Lam, xã Krong, huyện Kbang.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Bộ Tài chính dự lễ khánh thành. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Kho bạc Nhà nước Bộ Tài chính dự lễ khánh thành. Ảnh: Đức Thụy


Đến dự sự kiện quan trọng này có đồng chí Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính, Ngân hàng; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban Kinh tài (Tài mậu) qua các thời kỳ.

Về phía đại biểu khách mời có ông Bùi Mạnh Quân-Phó Vụ trưởng Vụ Tài vụ Quản trị Kho bạc Nhà nước Việt Nam.  

Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Gia Lai tại xã Krong trước đây gọi là Căn cứ địa cách mạng Khu 10, một địa điểm quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà. Nơi đây, các cơ quan đầu não của tỉnh đã đứng chân trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975).

Mặc dù bị kẻ thù huy động nhiều phương tiện, lực lượng và dùng đủ mọi cách để đánh phá nhưng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững. Tập thể cấp ủy, cán bộ, đảng viên đã bám trụ, dựa vào dân, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức Nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Biết bao đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ác liệt, chiến đấu anh dũng, cống hiến xương máu và tuổi thanh xuân trên mảnh đất này.

Không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Gia Lai (giai đoạn 1954-1975), Căn cứ địa cách mạng Khu 10 còn là nơi thể hiện “tình quân dân cá nước” sâu sắc với tinh thần “dốc tất cả” để đánh thắng quân thù. Trong đó, có sự đóng góp công sức không nhỏ của các cán bộ của Ban Kinh tài-nay là ngành Tài chính, Ngân hàng và các đơn vị công thương, nông nghiệp.

 Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Tài chính cắt băng khánh thành. Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Tài chính cắt băng khánh thành Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy


Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ ngay tại Căn cứ địa cách mạng Khu 10, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: “Quá khứ, hiện tại và tương lai luôn là một dòng chảy không ngừng. Càng biết trân trọng quá khứ, lịch sử thì hiện tại mới có thể phát triển bền vững. Trên con đường đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cũng không quên tu tạo và bảo tồn, xây dựng những địa điểm có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước.

Vì vậy, việc khánh thành Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai vừa là tâm nguyện của cả một thế hệ các bác, cô, chú cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài, vừa để thế hệ đi sau được thừa hưởng thành quả cách mạng được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu. Từ đó, có trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị những di tích lịch sử”.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu tại lễ khánh thành. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Thụy


Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tài chính nhằm tri ân các bậc tiền nhân và tiếp lửa truyền thống cho thế hệ mai sau, từ tháng 10-2018, Sở Tài chính đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thực địa, chọn vị trí xây dựng nhà bia do đồng chí Phạm Hồng Nam-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính làm trưởng đoàn.

Vị trí xây dựng nhà bia tưởng niệm Ban Kinh tài được xây dựng trong quần thể Khu căn cứ cách mạng của tỉnh ở xã Krong, huyện Kbang. Nơi đây còn lưu dấu các nền nhà, hầm trú ẩn, kho tiền, đối diện cánh đồng 3 ha bên kia bờ sông Ba-nơi mà cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài đã khai hoang sản xuất tự túc và tích trữ lương thực, trường kỳ kháng chiến cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đồng thời, Sở Tài chính đã tổ chức 6 đợt hội thảo để lấy ý kiến thống nhất của các sở, ban, ngành; nội dung văn bia và kiến trúc nhà bia đã được UBND tỉnh thống nhất, giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành mẫu bia tưởng niệm tại Khu dị tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong.

Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong ngành Tài chính, Ngân hàng tỉnh bao gồm: Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên, Công ty Xổ số kiến thiết, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương để triển khai, thực hiện xây dựng công trình Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai (1959-1975) bao gồm 2 giai đoạn với tổng giá trị đầu tư 3,52 tỷ đồng do cán bộ, công chức ngành Tài chính ủng hộ và Kho bạc Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

Đối với giai đoạn 1, trong năm 2019 đã triển khai xây dựng và hoàn thành các hạng mục san nền, nhà bia di tích, kè chắn đất, sân bê tông, biển gắn công trình, bia đá, lư hương, bảng chỉ dẫn, trồng cây di thực, hoa giấy. Bước vào giai đoạn 2, công trình chính thức khởi công từ tháng 7-2020 và đã triển khai xây dựng, hoàn thành nghiệm thu 11 hạng mục công trình, gồm: hội trường, khu nhà ở và làm việc của cán bộ, nhân viên Ban Ngân tín, khu nhà ở và làm việc của cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài (Tài mậu), nhà bếp và nhà ăn tập thể, nhà vệ sinh, kho chứa lương thực, thực phẩm, bể nước, hầm đựng tiền của Ban Ngân tín, hầm trú ẩn và các hạng mục phụ…
 

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng báo cáo kết quả đầu tư xây dựng khu di tích. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng báo cáo kết quả đầu tư xây dựng khu di tích. Ảnh: Đức Thụy


Trong tâm thế xúc động khi quay trở lại chiến trường xưa, ông Trần Ngọc Bửu-nguyên cán bộ Ban Kinh tài-bày tỏ: Sau năm 1975, chúng tôi-những người đã từng sống, chiến đấu ngay tại vùng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 đã quay trở lại đây nhiều lần, thăm lại chiến trường xưa nơi có dòng sông Ba, cánh đồng lúa.

Hôm nay, trở lại đây được tận mắt nhìn thấy nhà bia tưởng niệm, nhà làm việc, kho tiền, hầm trú ẩn hiện hữu trước mắt, cảm thấy như được sống lại những ngày xưa đáng ghi nhớ, đáng tự hào. Xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành Tài chính, Ngân hàng đã đóng góp để xây dựng nên công trình hết sức ý nghĩa này, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng bấy lâu nay của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài (1959-1975).
 

 lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành tài chính trồng cây lưu niệm tại khu di tích
Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Tài chính trồng cây lưu niệm tại khu di tích. Ảnh: Đức Thụy


Tại lễ khánh thành Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh, ông Nguyễn Anh Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính-khẳng định: “Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, công trình Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai nhằm tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để giành độc lập, tự do cho ngày hôm nay. Công trình này cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực tự cường, tình yêu quê hương đất nước đối với cán bộ ngành Tài chính, Ngân hàng”.  
 

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng tặng quà  các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đức Thụy


Bày tỏ lòng biết ơn và tự hào tiếp bước tiền nhân, anh Nguyễn Trọng Dũng-Bí thư Chi đoàn Sở Tài chính-cho biết: “Thế hệ trẻ ngành Tài chính chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Để có được những gì tốt đẹp hôm nay, các thế hệ cha anh đi trước đã phải trải qua một thời kỳ khó khăn, gian khổ với biết bao hy sinh, mất mát. Chúng tôi ý thức được rằng, sự kiện lễ khánh thành Khu di tích cơ quan Ban Kinh tài là một hoạt động chính trị có ý nghĩa sâu sắc, là dịp để thế hệ trẻ soi rọi lại mình, biết phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành Tài chính nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Thế hệ trẻ ngành Tài chính sẽ luôn cố gắng đóng góp công sức bé nhỏ để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là người viết tiếp những trang sử vẻ vang của các thế hệ cha anh”.
 

SƠN CA

Có thể bạn quan tâm