Tham dự chương trình khảo sát có bà Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo); đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế; lãnh đạo, giảng viên cùng hơn 150 sinh viên của phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai.
Bà Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại buổi khảo sát. Ảnh: P.L |
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thu Thủy-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ: Xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số nhằm tạo ra cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, còn có một khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đặc biệt đối với một số nhóm dân tộc thiểu số ít người, cư trú ở vùng khó khăn…
Trong khi đó, hệ thống các chương trình, đề án, dự án, chính sách phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số tuy đã được ban hành và tổ chức thực hiện trong thời gian qua nhưng chưa tạo ra sức mạnh tổng thể, toàn diện, mang tính đột phá để đẩy nhanh nguồn nhân lực dân tộc thiểu số phát triển, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Chương trình khảo sát được tổ chức nhằm lấy ý kiến thực tế tại các cơ sở giáo dục đại học để tìm ra các phương án khả thi, giải pháp sáng tạo và bước đi cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham gia chương trình khảo sát do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: P.L |
Tại buổi khảo sát, đại diện phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai, phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai báo cáo công tác đào tạo tại trường về: cơ cấu tổ chức; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất; tình hình công tác đào tạo và nhu cầu việc làm; thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số; cơ chế chính sách cho sinh viên.
Bên cạnh đó, đại diện các trường cũng đưa ra kiến nghị, đề xuất các giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai.
Quang cảnh buổi khảo sát thực trạng và nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L |
Trong khuôn khổ buổi khảo sát, lãnh đạo, giảng viên và sinh viên các trường đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đánh giá hoạt động đào tạo người dân tộc thiểu số đối với 5 ngành/nhóm ngành/lĩnh vực: Sức khỏe, Công nghệ thông tin, Tài chính-Ngân hàng, Nông nghiệp và Đào tạo giáo viên. Trao đổi về cơ chế, chính sách dành cho sinh viên người dân tộc thiểu số; đánh giá nhu cầu đào tạo, sử dụng và mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của người lao động trong các ngành có liên quan; hợp tác giữa cơ sở giáo dục và cơ sở sử dụng nhân lực/doanh nghiệp về đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số; dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới.
Đại diện các trường cũng đề xuất các giải pháp về chính sách, định hướng và giải pháp trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số…
Những ý kiến trao đổi được đoàn khảo sát ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án và trình Chính phủ trong thời gian tới.